Ba mũi tấn công dẹp nạn 'cò đất' bỏ cọc đấu giá

"Theo tôi, cứ ra quy định:
Thứ nhất, nâng giá cọc đấu giá đất để ngăn bỏ cọc.
Thứ hai, trong khoảng thời gian một năm sau khi trúng đấu giá, người sở hữu không được chuyển nhượng đất.
Thứ ba, trong vòng hai năm, người trúng giá đất phải xây dựng nhà.
Làm vậy thử xem 'cò đất' có 'bay' hết không?".
Đó là câu hỏi của độc giả Tran Hai trước tình trạng nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất, chấp nhận mất hàng trăm triệu đến tỷ đồng diễn ra phổ biến thời gian qua. Vào tháng 3, hơn 80% thửa đất trúng đấu giá tại quận Hà Đông hồi tháng 10/2024 bị nhà đầu tư bỏ cọc, tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Tương tự ở phiên tháng 8/2024 tại Thanh Oai, chỉ có 13 trên 68 lô đất thanh toán đầy đủ nghĩa vụ tài chính với giá trúng 51,6 - 55 triệu đồng một m2. Toàn bộ các lô trúng giá 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng đều bị bỏ cọc, tổng hơn 8 tỷ đồng.
>> Kẽ hở đấu giá sáu vòng thổi giá đất huyện 30 tỷ đồng một m2
Cùng chung thắc mắc, nhấn mạnh những hệ lụy tiêu cực từ hành vi bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất, bạn đọc Minh Phương đặt dấu hỏi: "Tại sao không ra luật với phương châm cho những lô chỉ để ở:
Thứ nhất, sau khi trúng giá đất, người sở hữu phải xây nhà, dọn về ở ít nhất hai năm mới được bán.
Thứ hai, nếu người trúng giá đất chưa ở sẽ bị đánh thuế đất cao.
Thứ ba, nếu chưa có nhà xây trên đất và người trúng đấu giá đã bán đi thì sẽ phải chịu thuế 20% giá chênh.
Thứ tư, người trúng đấu giá không được sang tên chuyển nhượng khi chưa hoàn tất việc mua bán.
Làm như vậy thử hỏi còn tình trạng bán 'lướt sóng' nữa không? Tất cả là do luật còn lỏng lẻo thôi".
Tình trạng "lướt sóng" đất đấu giá rồi bỏ cọc, tạo nhiều hệ lụy khiến thị trường bất ổn. PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), cho biết chỉ cần bỏ 120-200 triệu đồng đặt cọc một thửa đất, nhóm nhà đầu tư có thể tạo mặt bằng giá ảo. Môi giới sẽ lấy giá trúng làm "điểm neo" cho nhiều phân khúc nhà ở khu vực lân cận. Trong bối cảnh thị trường bất động sản "hỗn loạn về giá", nhà đầu tư có thể trục lợi bằng việc sang tay lướt cọc hoặc đẩy hàng tồn có thanh khoản kém.
Việt Thành tổng hợp