Ba thế hệ cùng nhiễm virus gây ung thư phổ biến thứ 2 ở Việt Nam

Ông K. nhiễm viêm gan B từ năm 17 tuổi nhưng không đi khám bệnh, hơn 20 năm sau, người đàn ông này đối diện với ung thư gan.
Chủ quan với 'thủ phạm' biết trước
Ông N.B.K (41 tuổi, quê ở Lạng Giang, Bắc Ninh) phát hiện mình nhiễm virus viêm gan B từ năm 17 tuổi. Tuy nhiên, ông chưa từng tái khám hay theo dõi định kỳ. Cách đây 10 năm, cha ông qua đời vì biến chứng từ viêm gan B. Gần đây, con gái ông cũng được chẩn đoán dương tính với virus này.
Khi có các dấu hiệu đau tức hạ sườn, vàng da, chán ăn, ông K. mới đi bệnh viện địa phương khám rồi chuyển lên Hà Nội.
Tháng 5 vừa qua, ông K. vào Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ chẩn đoán ông mắc ung thư biểu mô tế bào gan, kèm tắc mật trên nền viêm gan B mạn tính và xơ gan tiến triển.
Kết quả chụp CT cho thấy khối u gan kích thước 8x8 cm nằm ở ngã ba đường mật, gây giãn toàn bộ đường mật trong gan. Tình trạng suy gan cấp, vàng da ứ mật nặng và rối loạn đông máu khiến ông không đủ sức khỏe để phẫu thuật ngay lập tức.
Các bác sĩ đã điều trị nội khoa tích cực, kết hợp dẫn lưu đường mật qua da và sử dụng thuốc kháng virus. Sau 20 ngày, chức năng gan của ông K. cải thiện, đủ điều kiện để phẫu thuật.
Tuy nhiên, ông từ chối mổ và xin về nhà điều trị bằng thuốc nam - một quyết định khiến gia đình và bác sĩ không khỏi lo lắng. Chỉ một tháng sau, ngày 10/7, ông tái nhập viện trong tình trạng nguy kịch hơn: da và củng mạc mắt vàng sậm, bụng chướng căng, tiểu ít.
Xét nghiệm cho thấy nam bệnh nhân suy gan cấp nặng, chức năng thận suy giảm nghiêm trọng với chỉ số Creatinin máu lên tới 793 µmol/L (bình thường: 62-115 µmol/L). Biến chứng suy thận xuất hiện, khiến bệnh nhân không còn đáp ứng với điều trị nội khoa.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, viêm gan B là một “kẻ thù thầm lặng”. Bệnh diễn tiến âm thầm, người mắc thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, dẫn đến tâm lý chủ quan. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm gan B mạn tính có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.
Tại Việt Nam, năm 2022 ghi nhận 24.502 ca mắc ung thư gan, đứng hàng thứ 2 sau ung thư vú. Trong khi đó, hơn 60% ca ung thư gan có liên quan đến viêm gan B. Điều đáng tiếc là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện sớm thông qua tầm soát định kỳ.
Viêm gan B lây như thế nào?
Viêm gan B không phải bệnh di truyền mà lây qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn, hoặc từ mẹ sang con trong quá trình sinh. Ví dụ, dùng chung kim tiêm, xăm mình bằng dụng cụ không tiệt trùng, hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng dính máu đều là nguy cơ.
Với phụ nữ mang thai nhiễm virus, nguy cơ lây cho con rất cao nếu trẻ không được tiêm vắc xin và huyết thanh kháng virus ngay sau sinh. Trường hợp gia đình ông B. là một ví dụ điển hình: cả cha và con gái đều nhiễm virus, không phải do di truyền mà do lây nhiễm.
Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc viêm gan B, xơ gan, ung thư gan, nên tầm soát ít nhất một lần mỗi năm. Việc phát hiện khối u ở giai đoạn đầu giúp tăng cơ hội điều trị thành công, thậm chí có thể cứu sống bệnh nhân. Ngay cả khi không có triệu chứng, người nhiễm virus vẫn cần theo dõi sức khỏe định kỳ để kiểm soát bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
Trường hơp ông K. trở nặng do quá chủ quan. Nếu bệnh nhân thường xuyên tái khám định kỳ từ khi phát hiện viêm gan B, bệnh đã được kiểm soát trước khi tiến triển thành ung thư gan.
Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, viêm gan B hoàn toàn có thể được quản lý hiệu quả nếu phát hiện sớm. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, chủ động tầm soát và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, thay vì đặt niềm tin vào những phương pháp thiếu cơ sở khoa học như thuốc nam.