Bà con ở nơi cuối cùng bản đồ Việt Nam khát khao một cây cầu

Hằng ngày phải đi lại trên cây cầu xây gần 20 năm bị sụt lún, mặt sàn đứt gãy, nhịp cầu rung rinh, gần 400 hộ dân ở vùng đất cuối cùng bản đồ VN luôn khát khao có một cây cầu.
Xã "khát" cầu
Những ngày giữa tháng 5 nắng oi ả, chúng tôi tìm đến xã Trần Hợi (H.Trần Văn Thời, Cà Mau), nơi có trên 90% hộ dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp.
Từ đường chính vào đến ngã tư So Le thuộc ấp 10 C, chiếc xe 7 chỗ chở chúng tôi đi qua 4 cây cầu và nhìn thấy thêm 3 cây cầu khác ở các tuyến nhánh. "Ở xứ này, nhìn đâu cũng thấy kênh, rạch", một người trên xe nhận xét.
Đi thêm một đoạn để vào làng nghề chuyên sản xuất chuối khô, chiếc ô tô đỗ kịch bên đường vì cầu Kênh Cơi Ba bắc qua xóm quá nhỏ, ô tô đi không lọt. Cây cầu hiện hữu chỉ rộng 1,5 m, lan can cầu gãy lộ lõi sắt, mặt sàn bê tông nứt bung thành từng mảng, nhìn xuyên xuống lòng kênh. Phía dưới trụ cầu có thêm các cột gia cố, nhưng nếu hai người cùng đi bộ qua cầu đã thấy nhịp cầu rung rinh, vừa đi vừa run.
Trong khoảng 30 phút, chúng tôi gặp nhiều xe máy chất đầy bắp chuối, nông sản ì ạch "bò" qua cầu. Khi bờ bên kia có xe cùng chạy tới, bắt buộc một xe phải lùi lại nhường đường.
Bà Lu Hồng Tươi (73 tuổi), nhà ở chân cầu, cho biết với bề rộng như hiện tại, chỉ một xe máy có thể qua lại. Ô tô muốn qua xóm bên kia phải đi đường vòng thêm 8 km. Chỉ vào phần lan can cầu nứt toác, bà Tươi kể, có nhiều người đã bị té khi đi qua đoạn này, nhất là vào buổi tối và bản thân bà cũng từng là nạn nhân.
"Đi bộ thôi còn thấy cầu lắc lư, huống gì xe máy chở hàng. Nhìn cầu nứt thành mấy khúc như vậy sợ lắm. Khu vực này bị sụt lún, trước đây xã đã sửa, nhưng giờ lại lún tiếp nên cầu nứt gãy như thế. Nhà ở đây, tôi chỉ mong sửa được cây cầu cho bà con xóm trên xóm dưới đi lại bớt lo sợ", bà Tươi chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Kiệm (71 tuổi) cũng cho hay, vài năm trước khi cầu bị lún, xe máy bị cấm qua lại. Đến khi gia cố xong, xe máy được phép đi qua nhưng cầu vẫn gập ghềnh, nếu tay lái yếu có thể loạng choạng, té ngã.
Sống lâu năm ở địa phương, ông Kiệm bộc bạch, nhìn bờ sông bên kia ô tô chạy ù ù mà người dân bên đây chỉ biết ước. Mỗi lần có người cần cấp cứu, người nhà phải chở bằng xe máy qua bên kia mới có ô tô đưa đi. Tương tự, gần 400 hộ dân cũng chịu thua thiệt về giá lúa và chuối so với mặt bằng chung vì xe tải không vào đến nơi.
Ông Kiệm bày tỏ: "Đường thì ô tô đi được nhưng cầu không có nên không thể vào. Chúng tôi chờ đợi lâu lắm rồi, ước mơ có cây cầu đủ rộng cho ô tô đi được để cải thiện cuộc sống".
Sẵn sàng hiến đất xây cầu
Nhà nằm ngay mé cầu, bà Đỗ Thị Hoa (55 tuổi) thường xuyên nhìn thấy cảnh cây cầu rung lắc mỗi khi có xe đi qua. Dẫn chúng tôi đến đoạn mặt sàn cầu nứt toác, bà Hoa thở dài: "Cầu bị vậy cũng đã 4 - 5 năm nay. Đi bộ qua còn rung cỡ vậy, hỏi đi xe máy thì cầu rung cỡ nào? Nhìn mấy đứa nhỏ đạp xe đi học, tôi hồi hộp theo".
Theo lời bà Hoa, nếu có được cây cầu mới ở đây, bà sẵn sàng hiến 4 - 5 m đất của gia đình để chính quyền mở rộng phần chân cầu cho xe cộ thuận tiện đi lại. "Được hiến đất để cả xóm đi lại an toàn, dễ dàng, kinh tế phát triển hơn thì không có lý do gì khiến tôi phải chần chừ suy nghĩ", bà Hoa hào sảng cười nói.
Tương tự, bà Lu Hồng Tươi cũng khẳng định, chỉ cần cầu được sửa chữa hoặc xây dựng mới để giúp cả xóm thì chính quyền cần bao nhiêu đất, bà sẵn sàng hiến bấy nhiêu. Bởi bà hiểu, cây cầu là khát khao, là tương lai rộng mở của làng nghề này.
Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi, cầu Kênh Cơi Ba xây dựng cách đây 18 năm với bề ngang 1,2 m phục vụ bà con đi bộ và xe máy. Qua quá trình sử dụng, cầu xuống cấp trầm trọng. Bên cạnh đó, đường hai bên cầu đã được đầu tư mở rộng lần lượt 3 m và 2,5 m, đủ để ô tô di chuyển. Tuy nhiên, cầu Kênh Cơi Ba quá nhỏ, làm giao thông bị ngắt quãng.
"6 năm trước, móng cầu bị sụt, chúng tôi đã gia cố, khắc phục để đi lại tạm thời; nhưng nay cầu tiếp tục hư hại, hết khả năng sửa chữa, bà con đi lại nguy hiểm vô cùng. Tôi rất mong các nhà hảo tâm chung tay xây dựng cây cầu mới để bà con vận chuyển hoa màu dễ dàng, đi lại thuận lợi, học sinh an tâm tới trường", ông Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ.