Bà con hưởng lợi từ những “ngôi sao nhỏ”

Trong khi các sản phẩm xuất khẩu chủ lực gặp khó trong việc mở rộng thị trường thì nhiều "ngôi sao nhỏ" mới đã xuất hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Cuộc lên ngôi ngoạn mục của cá rô phi
Cách đây nhiều năm, không ai nghĩ rằng cá rô phi lại trở thành mặt hàng "hot" như hiện nay. Những ngày cuối tháng 4, trên các hội nhóm thu mua cá rô phi tấp nập người mua kẻ bán, từ cá rô giống đến cá mini và cá trọng lượng lớn đều được chào mua chào bán nhộn nhịp.
Tại tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm 2025 đến nay, giá cá lồng bè thương phẩm luôn giữ ổn định. Trong đó, giá cá rô phi và một loại khác cùng họ là cá điêu hồng luôn giữ mức khá cao so với cùng kỳ năm trước, giúp người dân nuôi cá lồng bè trên địa bàn nâng cao thu nhập. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, hiện giá cá bè thương phẩm dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 - 14.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2024. Với giá này, người nuôi lãi khoảng 4.000 - 8.000 đồng/kg; giá cá giống dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2024.
Với đặc tính dễ nuôi, cá rô phi thích hợp với hầu hết các vùng miền trên cả nước. Tại Ba Vì (Hà Nội), người dân xã Minh Quang chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá rô phi, đạt 8 - 10 tấn/ha/vụ, cá đạt trọng lượng 0,4 - 0,5 kg sau 6 - 8 tháng. Nhờ nuôi cá rô phi, bà con có thu nhập cao gấp 15 - 20 lần trồng lúa. Sản phẩm đạt chuẩn ASC, BAP, tiêu thụ tốt tại các thị trường EU, Mỹ. Ở tỉnh An Giang, mô hình nuôi kết hợp cá rô phi và cá tra trong bể bạt giúp tăng năng suất, giảm dịch bệnh. Năm 2024, sản lượng cá rô phi đạt hàng chục ngàn tấn. Việc ứng dụng công nghệ tuần hoàn RAS cũng giúp tăng tỷ lệ sống, giảm chi phí sản xuất.
Tại tỉnh Bắc Ninh, những năm trước đây, người dân thường nuôi các loại cá trắm, chép, trôi, mè, rô phi… nhưng thường xuyên phải đối mặt với khó khăn do thiếu thị trường tiêu thụ, giá bán thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao. Từ năm 2023, Trung tâm khuyến nông và phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh hướng dẫn nhiều nông dân triển khai nuôi cá rô phi theo chuỗi liên kết, phục vụ chế biến, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông Ngô Xuân Trường là một trong 3 hộ mạnh dạn triển khai mô hình nuôi cá rô phi phục vụ chế biến từ năm 2023. Với diện tích ao nuôi 1,1 ha, gia đình ông thực hiện nuôi chuyên canh giống cá rô phi đơn tính. "Sau 8 - 10 tháng, cá rô phi thả nuôi đạt trọng lượng trung bình 1,3 - 1,4 kg/con, tỷ lệ sống 83 - 85%. Năm 2024, từ 1,1 ha ao nuôi cá rô phi, gia đình tôi thu được sản lượng cá 25 - 25,5 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập cao hơn khoảng 20% so với nuôi các giống cá khác ở những năm trước", ông Trường chia sẻ.
Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư, từ năm 2023 - 2024, kim ngạch xuất khẩu cá rô phi đã tăng mạnh từ 17 triệu USD lên 41 triệu USD, và quý 1/2025 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 131%, đạt gần 14 triệu USD. Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 46% tỷ trọng với hơn 6 triệu USD, tiếp theo là Nga (1,8 triệu USD) và Bỉ (700.000 USD).
Ca cao âm thầm mà bền vững
Cách đây 20 năm, trái ca cao bắt đầu được khuyến khích sản xuất tại VN với kỳ vọng sẽ nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Thế nhưng một thời gian dài sau đó, kỹ thuật trồng và giống ca cao chưa có sự đột phá khiến mặt hàng này chưa thể sôi động. Nhiều năm trước, người viết từng có dịp khảo sát vùng trồng ca cao và các mô hình sản xuất, chế biến ca cao. Khi đó, đa phần loại cây này được bà con đồng bào dân tộc tận dụng để trồng ở những vùng hẻo lánh. Ít ai ngờ rằng loại cây này lại đang phát triển mạnh và trở thành nguồn thu nhập lớn cho nông dân.
Ông Cầm Bá Biên, hộ nông dân tại thôn 2, xã Đắk Wil, H.Cư Jut, Đắk Nông, cho biết: "Trước kia có những thời điểm tôi muốn chặt bỏ cây ca cao do giá thấp hơn các loại cây khác như hồ tiêu, cà phê. Đến năm 2024, vườn ca cao của tôi có diện tích 7 sào với 700 gốc ca cao, sau khi trừ chi phí, thu về 200 triệu đồng. Năm 2025, với mức giá bán hạt ca cao ước khoảng 80.000 đồng/kg, kỳ vọng lợi nhuận mang lại khoảng 300 triệu đồng".
Theo bà Nguyễn Hồng Thương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm (Đắk Lắk): "Hiện nay HTX có 20 thành viên chính thức và 200 thành viên liên kết. Vùng nguyên liệu ca cao của HTX được thực hiện theo quy trình tuần hoàn, cho thu hoạch liên tục 9 tháng trong năm. Hiện doanh thu mỗi héc ta ca cao từ 500 triệu - 1 tỉ đồng/năm. Nếu trừ chi phí, mỗi héc ta mang lại lợi nhuận 400 triệu đồng/năm, nên bà con rất phấn khởi canh tác".
Chị La Thị Thùy Linh, thôn 14, xã Ea Knốp, H.Ea Kar, Đắk Lắk, cũng chia sẻ: "Trước đây, đời sống người dân trong vùng vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề, cuộc sống chỉ quanh quẩn với cây ngô, củ sắn mà luôn trong tình trạng thiếu ăn. Từ khi cây ca cao phát triển ở mảnh đất này, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với những cây trồng khác, người dân đã có cuộc sống đủ đầy hơn. Cách đây 5 năm, gia đình tôi đã đầu tư mở rộng hơn 1 ha cây ca cao, đến năm nay năng suất ước đạt 2,5 tấn hạt khô. Trừ chi phí, có thể thu lãi khoảng 250 triệu đồng".
Không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân vùng Tây nguyên, cây ca cao còn đang phát triển ở khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ. Ông Nguyễn Văn Suối, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tích Khánh (xã Tích Thiện, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) cho biết: "Từ năm 2010 đến nay, HTX đã liên kết sản xuất cùng các đơn vị, bà con nông dân ở nhiều xã trong và ngoài huyện. Đến nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu ca cao của HTX đã lên đến 140 ha (khoảng 140.000 cây) với 220 hộ tham gia, năng suất bình quân đạt khoảng 10 tấn/ha/năm. Hằng tuần, HTX thu mua ca cao cho bà con với sản lượng 4 - 5 tấn. Sau khi thu mua, HTX tiến hành bóc vỏ, lấy hạt phơi khô và giao hàng cho 2 doanh nghiệp tại TP.HCM và tỉnh Bến Tre. Nếu trồng ca cao xen dừa sẽ giúp thu nhập tăng lên 2 - 3 lần so với chỉ đơn thuần trồng dừa".
Hiện nay, giá ca cao thế giới đang tăng mạnh khiến các doanh nghiệp chế biến càng phải "o bế" người trồng trong nước để đảm bảo nguồn nguyên liệu. Nhờ thế mà người trồng ca cao có thu nhập ổn định.