Ba bệnh viện TP HCM lập mô hình một cửa hỗ trợ người bị bạo lực, xâm hại

Ra mắt mô hình ngày 28/5, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn xảy ra, nạn nhân có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Mô hình này nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ lưu trú an toàn, tư vấn và hỗ trợ tư pháp, chăm sóc sức khỏe tâm thần và kết nối dịch vụ xã hội.
Thay vì phải qua nhiều cơ quan, người bị bạo lực, xâm hại chỉ cần tiếp cận một địa điểm duy nhất để nhận được hỗ trợ kịp thời, phù hợp và bảo mật thông tin. Cụ thể, bệnh nhân đến các bệnh viện này sẽ được y bác sĩ khám, sàng lọc. Nếu có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, họ được chuyển đến Phòng một cửa và kết nối các bên liên quan để trợ giúp.
Mô hình từng được thí điểm tại Bệnh viện Hùng Vương với tên gọi Bồ Công Anh, có sự hỗ trợ của cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức PE&D... Sau hai năm vận hành, nơi này đã hỗ trợ, can thiệp và cung cấp dịch vụ kịp thời cho 224 trường hợp gồm phụ nữ, phụ nữ chưa thành niên và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục. Trong số này, 194 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi mang thai và sinh con. Khoảng thời gian trên, bệnh viện cũng ghi nhận hơn 1.000 trường hợp đến khám, gồm gần 800 "trẻ em sinh ra trẻ em" và 211 trẻ vị thành niên.
"Những con số và dữ liệu từ mô hình khiến tôi lo lắng về thực trạng bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em", ông Dũng nói.
Lãnh đạo TP HCM cho rằng những đứa trẻ chưa trưởng thành hoàn thiện về thể chất, đang ấp ủ bao ước mơ đã phải mang thai và sinh con, gây đau lòng và thương xót cho cả gia đình, cộng đồng và xã hội, ngay giữa thành phố phát triển bậc nhất cả nước. Những hậu quả do bạo lực gây ra là rất lớn, không chỉ tác động đến sức khỏe tinh thần và thể chất mà còn hủy hoại cuộc sống, các cơ hội phát triển của phụ nữ, trẻ em, làm suy giảm sự phát triển kinh tế của thành phố, cản trở sự vươn mình quốc gia trong kỷ nguyên mới.
Bạo lực trên cơ sở giới có thể xảy ra trong các bối cảnh khác nhau, từ gia đình, trường học, nơi làm việc, ở nơi công cộng và cả trên không gian trực tuyến với sự tiếp sức đắc lực của công nghệ. Do đó, không một cơ quan, đơn vị nào có thể một mình giải quyết mà cần có sự vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng của các bên liên quan. Đặc biệt, cần có giải pháp hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên là nạn nhân của bạo lực, xâm hại và mang thai ngoài ý muốn tiếp tục học tập để sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, cần triển khai các chương trình giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, giúp học sinh hiểu đúng, hiểu đủ, biết phòng ngừa, ứng phó với bạo lực và mang thai ngoài ý muốn trong bối cảnh chuyển đổi số.
Đầu ra của mô hình một cửa tại các bệnh viện là Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TP HCM. Trường hợp người bị bạo lực, xâm hại cần tạm lánh khẩn cấp sẽ được chuyển đến trung tâm này để chăm sóc, nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu, kết nối các dịch vụ thiết yếu khác, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để trợ giúp ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Ngành công an, tư pháp, tòa án và viện kiểm sát phối hợp liên ngành trong việc cung cấp dịch vụ cho người bị bạo lực nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ tốt nhất từ việc điều tra, truy tố đến xét xử và thực thi các biện pháp bảo vệ. Cách tiếp cận đa ngành không chỉ tập trung hỗ trợ nạn nhân, mà còn thúc đẩy các biện pháp can thiệp đối với nam giới - nhóm đối tượng chính gây ra bạo lực, nhằm chấm dứt tình trạng này.
Người bị bạo lực, xâm hại cần được trợ giúp liên hệ qua đường dây nóng của mô hình 1900 54 55 59 (tiếp nhận thông tin 24/7) hoặc đến trực tiếp Phòng một cửa đặt tại 4 bệnh viện trên.
Lê Phương