Áp lực ôn thi giai đoạn nước rút, giải tỏa thế nào?

Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là thí sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong giai đoạn nước rút này, phần đông thí sinh đều rất căng thẳng và áp lực. Đón xem video Thủ khoa tiếp sức gen Z mùa thi hôm nay (17.5) để nghe các thủ khoa "bật mí" về cách giải tỏa căng thẳng, áp lực trong giai đoạn này để ôn thi hiệu quả hơn.
Cách chuyển hóa áp lực trong giai đoạn nước rút
Lê Văn Hữu, thủ khoa khối B tỉnh Quảng Nam, một trong những thí sinh có điểm trúng tuyển cao nhất Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2022, cho biết trong thời đại internet phát triển như hiện nay thì việc các thầy cô dạy online rất phổ biến nhưng đồng thời, việc tham gia nhiều lớp học trực tuyến cũng có mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Mặt tích cực, theo Hữu, ngoài việc tiếp thu kiến thức thì học sinh có thể gặp gỡ nhiều bạn bè từ các lớp học online, cũng như có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm học tập với nhau, từ đó giúp mỗi bạn có thể phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, Hữu cho rằng đây cũng là con dao hai lưỡi, khi có nhiều áp lực vô hình đè nặng lên vai các bạn trong quá trình học tập.
"Mọi người thường hay nói áp lực tạo nên kim cương, nhưng mà áp lực không đúng cách sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bản thân", Hữu bày tỏ và kể trước đây trong quá trình ôn tập, Hữu thấy có những bạn bè xung quanh sao học quá giỏi, rồi tự hỏi tại sao bản thân học tệ như vậy. Từ đó, Hữu cảm thấy rất tự ti và phải mất một khoảng thời gian dài để lấy lại tinh thần, tập trung trở lại cho việc học.
Vậy Hữu đã thay đổi và lấy lại tinh thần như thế nào để đạt được kết quả như ngày hôm nay?
Hữu nói: "Trước hết mình phải xác định lại là không đặt kết quả của người khác làm mục tiêu mà tự đặt kết quả của mình là mục tiêu. Có nghĩa là hôm nay giải đề được 8 điểm thì mình đặt mục tiêu ngày hôm sau phải đạt trên 8 điểm chứ không phải là được 10 điểm như người khác. Điều đó là không thể, và nếu chúng ta cứ chạy theo điểm số của người khác sẽ tạo nên áp lực vô hình cho bản thân".
Đồng thời Hữu lưu ý khi đã đạt được điểm cao rồi, phải cố gắng duy trì, đừng để những lần sau bị tụt điểm quá thấp. Hữu cho biết việc tụt điểm là điều rất bình thường, vì các đề không giống nhau và không thể lúc nào mình cũng giải được tất cả để đạt điểm cao, nhưng phải cố gắng để đừng bị tụt điểm quá nhiều.
Đặc biệt, Hữu muốn khuyên thí sinh chỉ nên giải đề với tần suất vừa đủ, không ham làm quá nhiều. "Thấy người ta giải cả chục đề một ngày là mình cũng bắt chước làm theo, như thế không được. Giải nhiều đề một ngày như vậy làm sao bạn nhớ hết được. Mà giải xong không nhớ gì cũng coi như vô nghĩa. Ngoài giải đề thì cũng còn nhiều kiến thức lý thuyết trong sách cần phải ôn lại. Chính vì thế, nên làm 1 - 2 đề/môn/ngày, như thế cũng đã là 3 - 6 đề cho 3 môn mỗi ngày rồi", Hữu đặc biệt lưu ý.
Ngoài ra, Hữu cho biết nhiều bạn cũng sẽ có áp lực từ gia đình. Chàng thủ khoa kể: "Mình thi y khoa nên ngày xưa cũng có những áp lực từ gia đình, bạn bè, thầy cô đè nặng lên vai. Theo kinh nghiệm của mình, các bạn có thể giải tỏa bằng cách tìm một ai đó đủ tin tưởng để chia sẻ, hoặc tìm kiếm một hoạt động nào đó làm để quên đi. Ngày đó mình tập thể dục và việc vận động thể lực cũng giúp mình cảm thấy thoải mái hơn".