Áp lực nhượng bộ Mỹ vẫn đè nặng lên EU

Dù ông Trump đã tạm hoãn áp thuế lên hàng hóa EU, tham vọng tái lập cán cân thương mại và danh sách dài những yêu cầu khắt khe vẫn khiến nỗ lực đàm phán rơi vào thế khó xử.
Sau cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý hoãn kế hoạch áp thuế 50% lên hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), lùi thời hạn chót sang ngày 9/7 để hai bên tiếp tục đàm phán.
Tuy nhiên, bất chấp bước lùi chiến thuật này, con đường tiến tới một thỏa thuận thương mại song phương vẫn ngập tràn bất đồng và thách thức.
Theo Ủy ban châu Âu - cơ quan phụ trách chính sách thương mại của EU, cuộc điện đàm vừa qua đã tạo “động lực mới” cho tiến trình thương lượng, với cam kết tăng tốc từ cả hai phía. Dẫu vậy, giới quan sát cho rằng vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy hai nhà lãnh đạo đã thu hẹp được khoảng cách quan điểm trong các vấn đề cốt lõi.
|
Ông Trump đồng ý hoãn áp thuế 50% lên hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu sau cuộc gọi của Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters. |
Nỗ lực "thuế 0 đổi 0"
Brussels đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại “hai bên cùng có lợi”, với đề xuất cắt giảm thuế công nghiệp về mức 0%, đổi lại việc mua thêm nông sản, khí hóa lỏng và vũ khí từ Mỹ, trong bối cảnh EU lên kế hoạch chấm dứt nhập khẩu khí đốt từ Nga trước năm 2027.
Một quan chức EU tiết lộ khối này thậm chí sẵn sàng cân nhắc mua thêm thịt bò không hormone, tương tự như thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ đạt được gần đây. Đáng chú ý, đề xuất mức “thuế 0-0” sẽ được Ủy viên Thương mại Maros Sefcovic trình bày trực tiếp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick trong cuộc gọi sắp tới.
“Chúng tôi tin đây là một nền tảng hấp dẫn để khởi đầu đàm phán, đem lại lợi ích cho cả hai bên bờ Đại Tây Dương”, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu khẳng định.
Ngoài ra, EU cũng muốn thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề như dư thừa thép - điều mà cả Brussels và Washington đều quy trách nhiệm cho Trung Quốc cũng như lĩnh vực công nghệ số như trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, một trong những mục tiêu hàng đầu của EU là Mỹ chấm dứt mức thuế 25% đang áp lên thép và ôtô, đồng thời loại bỏ mức thuế “có đi có lại” mà chính quyền Trump tạm thời giữ ở mức 10% thay vì 20% trong giai đoạn gia hạn 90 ngày cho đến tháng 7.
Mỹ gây sức ép vì thâm hụt thương mại
Tuy nhiên, phía Mỹ, đặc biệt là ông Trump, lại đặt trọng tâm vào việc giảm thâm hụt thương mại hàng hóa với EU, vốn lên tới gần 200 tỷ euro (228 tỷ USD) trong năm ngoái. Dù Mỹ có thặng dư thương mại dịch vụ với EU, khoảng cách về hàng hóa vẫn là mối bận tâm hàng đầu. Washington đã gửi tới Brussels một danh sách dài các yêu cầu, bao gồm việc dỡ bỏ những rào cản phi thuế quan, từ thuế giá trị gia tăng (VAT), quy định an toàn thực phẩm của EU cho đến thuế dịch vụ kỹ thuật số tại từng quốc gia thành viên. Một nguồn tin từ ngành công nghiệp cho biết ông Trump muốn có một “thỏa thuận nhanh”, bao gồm cả thắng lợi biểu tượng lẫn thực chất. Tuy nhiên, các yêu cầu từ phía Mỹ đang vượt quá những gì EU sẵn sàng hoặc có thẩm quyền đáp ứng, đặc biệt là về chính sách thuế, vốn thuộc thẩm quyền riêng của từng quốc gia thành viên.Chủ tịch Ủy ban Thương mại Nghị viện châu Âu, ông Bernd Lange, người đang dẫn đầu một phái đoàn nghị sĩ EU sang Mỹ, khẳng định: “Chúng tôi có quy chuẩn riêng về hóa chất, thực phẩm và kỹ thuật số. Đó là tiêu chuẩn của EU, không phải rào cản phi thuế quan như Mỹ đánh giá”. Chủ tịch Ủy ban Thương mại Nghị viện châu Âu Bernd Lange cho biết EU sẽ đánh giá những danh sách yêu cầu từ phía Mỹ. Ảnh: EFE. Ông cho biết EU có thể rà soát một số quy định cụ thể để xem có điểm nào “quá mức” hay không, nhưng sẽ không chấp nhận áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn Mỹ, như yêu cầu từ Nhà Trắng. Thêm vào đó, chính quyền Trump còn mong muốn các ngành sản xuất then chốt như thép, ôtô, điện thoại và chất bán dẫn... dịch chuyển về Mỹ, phục vụ mục tiêu hồi sinh công nghiệp trong nước.Bộ trưởng Nông nghiệp Ireland Martin Heydon hôm 26/5 nhận định EU đang đi đúng hướng khi theo đuổi một thỏa thuận cùng có lợi. Việc ông Trump bày tỏ sự bực tức trước việc EU không “ngoan ngoãn nghe theo” thực chất lại là lời khen ngầm cho lập trường kiên định của khối. “Chúng ta là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ. Vì thế, EU không thể chấp nhận bất cứ yêu cầu nào từ Nhà Trắng một cách vô điều kiện. Chúng ta cần đàm phán và làm rõ bản chất đôi bên cùng có lợi của mối quan hệ này”, ông Heydon nói.Lý giải vận mệnh của các nền kinh tếMục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.> Độc giả có thể xem thêm tại đây.