'Áp lực chưa từng có' đối với siêu đô thị y tế TPHCM sau sáp nhập

TPO - Nguy cơ quá tải bệnh viện, thiếu hụt nhân lực và đầu tư công nghẽn mạch... gây ra áp lực vô cùng lớn đối với TPHCM sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngày 21/5, Sở Y tế TPHCM cho biết, lần đầu tiên lãnh đạo ba Sở Y tế TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đã 'ngồi lại' cùng nhau đánh giá toàn diện tác động của việc hợp nhất ba địa phương, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến khả năng cung ứng dịch vụ y tế trong giai đoạn mới.
Theo ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, sau khi hợp nhất, diện tích thành phố sẽ tăng từ hơn 2.000 km² lên gần 6.800 km², dân số cũng tăng vọt từ 9,9 triệu lên hơn 13,7 triệu người. Với quy mô này, thành phố không chỉ là đô thị lớn nhất cả nước mà còn trở thành “siêu đô thị y tế” với áp lực chưa từng có lên toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.
![]() |
Áp lực đối với lĩnh vực y tế tại TPHCM sau sáp nhập được dự báo sẽ tăng cao |
Gần 52 triệu lượt khám bệnh mỗi năm
Dự báo, số lượt khám bệnh mỗi năm sẽ tăng từ 42 triệu lên trên 51 triệu lượt, số lượt điều trị nội trú cũng leo từ 2,2 triệu lên hơn 3,8 triệu. Điều này đồng nghĩa, TPHCM sẽ phải gánh gần 1/3 tổng số lượt khám bệnh ngoại trú và hơn 23% số lượt điều trị nội trú của cả nước.
Tuy nhiên, sự gia tăng dân số và nhu cầu khám chữa bệnh lại không song hành với tốc độ phát triển tương xứng về nguồn lực y tế. Tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân từ mức 20,8 sẽ tụt xuống còn 13.08 – thấp hơn cả mức trung bình quốc gia. Số giường bệnh/vạn dân cũng giảm mạnh từ 41,7 xuống 31,3, khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng “vừa thiếu, vừa yếu” nếu không sớm có điều chỉnh căn cơ.
Một trong những thách thức nghiêm trọng là nguy cơ quá tải các bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM. Trong khi đó, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu hiện chưa có hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện, buộc TPHCM phải tính đến phương án mở rộng mạng lưới trạm cấp cứu vệ tinh. Trung tâm Cấp cứu 115 đã được giao nhiệm vụ khảo sát và triển khai gấp.
Không chỉ khám chữa bệnh, năng lực giám sát dịch tễ, kiểm soát dịch bệnh và y tế cộng đồng cũng cần nâng tầm. Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết đang xúc tiến đề án nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, đồng thời kiến nghị xây dựng thêm các cụm y tế chuyên sâu tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm giảm tải cho trung tâm hiện tại.
Nguy cơ bỏ lỡ cơ hội vàng
Sau khi hợp nhất, số lượng dự án đầu tư y tế công tăng mạnh, với tổng vốn giai đoạn 2021–2025 lên hơn 52.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026–2030 dự kiến vượt 65.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều công trình vẫn đang chậm tiến độ vì vướng thủ tục, thiếu phối hợp và cơ chế giám sát chưa hiệu quả và đây là một rào cản không nhỏ đối với ngành y tế.
![]() |
Ngành y tế đang nỗ lực giải bài toán chăm sóc sức khỏe cho 14 triệu dân sau sáp nhập |
Giới chuyên môn cảnh báo, nếu không có giải pháp căn cơ để gỡ nghẽn đầu tư công, TPHCM sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng trong việc tái cơ cấu y tế theo mô hình đa trung tâm – vốn được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho cả dịch vụ công lẫn du lịch y tế chất lượng cao.
Lãnh đạo ba Sở Y tế đã thống nhất hình thành các tổ công tác chuyên ngành để xây dựng phương án sắp xếp bộ máy, điều phối nhân lực và chuẩn hóa mô hình hoạt động. Các giải pháp cụ thể dự kiến sẽ được trình bày ngày 6/6 với chuyên đề tập trung vào chất lượng dịch vụ y tế hậu hợp nhất.
Hợp nhất hành chính mang lại kỳ vọng lớn, nhưng nếu bộ máy y tế không được tổ chức lại kịp thời và hiệu quả, TPHCM có thể sẽ đối diện một cuộc khủng hoảng y tế quy mô – nơi áp lực không còn giới hạn ở một đô thị mà lan ra toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.