Nhảy đến nội dung

Áp dụng hình phạt nghiêm khắc với đối tượng xâm hại lăng mộ vua, chúa

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tổ chức tuần tra, canh gác để bảo vệ các lăng mộ vua, chúa, các khu di tích, văn hóa; đồng thời, xử lý ở khung hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi xâm hại mồ mả.

Hình phạt nghiêm khắc

Ngày 10.5, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh này vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương toàn tỉnh thực hiện nghiêm công tác bảo vệ các di tích văn hóa, đặc biệt là các lăng mộ vua, chúa sau khi lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm hại (như Thanh Niên đã thông tin).

Đối với vụ lăng mộ vua Lê Túc Tông bị 2 nghi phạm người Trung Quốc đào bới, xâm hại vào ngày 3.5, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu công an tỉnh điều tra, xử lý nghiêm hành vi tự ý đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật của các nghi phạm.

Đối với người có hành vi xâm hại di tích văn hóa, nhất là các lăng mộ vua, chúa, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các khung hình phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe.

Để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi trộm cắp, đào bới, trục vớt, buôn bán, trao đổi trái phép di vật, cổ vật nhằm bảo vệ các di sản văn hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu sở VH-TT-DL cùng phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, kiểm kê toàn bộ các di tích lịch sử - văn hóa, địa điểm khảo cổ, di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh; đồng thời lập hồ sơ chi tiết, số hóa dữ liệu để quản lý, tránh thất thoát.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để di tích bị xâm hại

Trong việc bảo vệ di tích, tránh mất mát tài sản hoặc xâm hại đến di tích, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ cho từng cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, cộng đồng và cá nhân chứ không thể quản lý chung chung; đồng thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý.

Biện pháp ngăn chặn đến xâm hại di tích là thiết lập hệ thống mốc giới, biển báo rõ ràng về khu vực di tích, địa điểm khảo cổ, khu vực có khả năng chứa đựng di vật, cổ vật.

Các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý phải tổ chức tuần tra, canh gác thường xuyên, đặc biệt tại các khu vực di tích quan trọng như các lăng mộ vua, chúa; các địa điểm khảo cổ, các khu vực có nguy cơ bị xâm hại.

Sử dụng các hệ thống giám sát điện tử, camera an ninh tại các khu vực trọng điểm để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm.

Ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng kêu gọi vai trò của cộng đồng, người dân tích cực tham gia bảo vệ di sản văn hóa, cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm; yêu cầu trường học đưa nội dung về bảo vệ di sản văn hóa vào chương trình giáo dục để nâng cao ý thức trách nhiệm cho thế hệ trẻ.

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, ngày 3.5, các nghi phạm Deng Zhui (41 tuổi, số hộ chiếu EN7117797) và Shen JiangYang (43 tuổi, số hộ chiếu EK0544073), đều ngụ tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đã dùng vật dụng, thiết bị xăm thăm dò và đào bới khu lăng mộ vua Lê Túc Tông (tại xã Kiên Thọ, H.Ngọc Lặc, Thanh Hóa) nhưng không tìm được gì có giá trị.

Làm việc với Công an tỉnh Thanh Hóa, Deng Zhui và Shen JiangYang khai ngày 28.4, hai nghi phạm này nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) với mục đích đi trộm cổ vật ở các khu mộ cổ của vua chúa, hoặc mộ của người giàu có.

Khi nhập cảnh Việt Nam, các đối tượng mang theo 1 cây xăm bằng kim loại, 1 máy gắn thiết bị cảm ứng dò tìm kim loại. Đến Thanh Hóa, các đối tượng mua thêm khoan điện cầm tay, dây thừng, cưa tay, bao bì, bạt, bao tay, xẻng, xà beng… rồi thuê xe máy đến khu lăng mộ vua Lê Túc Tông quan sát.

Từ sáng đến tối 3.5, Deng Zhui và Shen JiangYang đã dùng các dụng cụ, thiết bị thăm dò và đào bới khu lăng mộ vua Lê Túc Tông nhưng không tìm được gì có giá trị. Cả hai đang bị Công an tỉnh Thanh Hóa tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi xâm phạm mồ mả.