Áp chuẩn khí thải với hơn 70 triệu xe máy

Trước thực trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị ngày càng nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa đề xuất Thủ tướng ban hành quy chuẩn khí thải với xe máy và lộ trình áp dụng bắt đầu từ 2027.
Nói về đề xuất áp chuẩn khí thải với xe máy (mô tô, xe máy) nếu không đạt chuẩn sẽ bị cấm lưu thông, nhiều người dân tỏ ra lo lắng, đặc biệt những người lao động nghèo mưu sinh tại đô thị.
Người lao động lo lắng
Chạy xe ôm ở Hà Nội tới nay đã được 16 năm, sử dụng chiếc xe Wave sản xuất hàng chục năm trước để chở khách mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Thành (Hà Nội, 52 tuổi) cho biết ông rất lo lắng khi nghe tin Hà Nội dự kiến sẽ cấm xe máy cũ nát vào một số khu vực trong thời gian tới.
"Giờ làm xe ôm truyền thống như tôi gặp nhiều khó khăn. Tôi đi từ sáng tới tối mới được mấy cuốc xe, tiền đâu mà sắm được xe điện, xe máy mới tới vài chục triệu đồng.
Nếu lệnh cấm xe máy cũ hoạt động được ban hành, thực sự tôi cũng không biết làm nghề gì để sống. Tôi lại là lao động chính trong nhà, rất mong Nhà nước xem xét kỹ những ảnh hưởng tới người dân khi cấm để có cách giải quyết hợp lý", ông Thành nói.
Tương tự chiếc xe Dream cũ được sản xuất từ đầu những năm 2000 cũng là công cụ và người bạn đồng hành gần 20 năm nay với vợ chồng anh Hải (Mê Linh, Hà Nội) mỗi sáng. Cứ tinh mơ mỗi sáng, anh Hải lại chở rau từ ngoại thành vào các khu chợ nội thành Hà Nội để bán.
"Có chiếc xe máy cũ chở hàng hóa thực sự rất tiện lợi, phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế của những người buôn bán nhỏ lẻ như chúng tôi. Có nhiều khu chợ dân sinh ở trong những con phố rất hẹp, xe tải to không thể đi vào được, nên tôi thấy xe máy là phương tiện rất khó thay thế", anh Hải cho biết.
Không chỉ những người dân từ vùng ven Hà Nội có nhu cầu chạy xe máy cà tàng vào phố buôn bán mỗi sáng.
Anh Thành Vinh, một người chuyên chạy thuê, đổ mối bánh phở mỗi sáng tại Hà Nội, cho hay một ngày chạy bỏ mối hàng chục điểm khắp TP cũng chỉ kiếm được khoảng 400.000 đồng, trừ tiền xăng đi lại chỉ để ra được khoảng 350.000 đồng, đủ cho gia đình tằn tiện chi tiêu.
"Giờ nếu vì môi trường Nhà nước không cho chạy xe máy cũ tôi rất mong có chính sách thu mua xe máy cũ, hỗ trợ người dân vay vốn để mua xe điện hoặc xe máy mới nhằm tiếp tục mưu sinh", anh Thành Vinh bày tỏ.
Tính toán phương tiện thay thế xe máy cho người dân
TS Hoàng Dương Tùng, chuyên gia môi trường, nhìn nhận dự thảo áp chuẩn khí thải với xe máy đã đưa ra lộ trình áp dụng các mức, phù hợp so với thực tế của Việt Nam. Việc đưa ra lộ trình kiểm tra khí thải là cần thiết để cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Đây cũng là trách nhiệm của người dân tham gia giao thông vì lúc nào ta cũng đòi hỏi bầu không khí trong lành, trong khi đó lại không góp sức để cải thiện môi trường.
Bên cạnh đó việc kiểm tra khí thải cũng sẽ có lợi cho người dân sử dụng xe máy cũ, hạn chế tiêu thụ xăng, di chuyển an toàn hơn.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Bùi Thị An, viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng, cho rằng Hà Nội có khoảng 6,9 triệu xe máy, trong đó lượng xe máy sử dụng hơn 10 năm chiếm 72% đang làm gia tăng mức khí thải độc hại. Bởi vậy, việc đưa xe máy vào kiểm tra khí thải là cần thiết.
Việc áp dụng chuẩn khí thải với xe máy tại Hà Nội, TP.HCM sớm hơn là cần thiết để hạn chế ô nhiễm môi trường, vì ô nhiễm khí tại các đô thị đã ở tình trạng báo động nhiều năm qua.
"Ví dụ để cải thiện chất lượng ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông phải tăng giao thông xanh, bớt xe cá nhân. Nhưng để có được một mạng lưới giao thông xanh thì cần phải đầu tư bài bản, không phải mua vài chiếc xe điện là xong mà phải hướng đến đầu tư tổng thể từ trạm sạc đến điểm dừng đỗ hay kết nối với các khu dân cư để tiện lợi, hấp dẫn người dân", bà An cho biết thêm.
Nhìn ở góc độ khác, kỹ sư Đào Nhật Đình, chuyên gia năng lượng và môi trường, cho rằng vấn đề đặt ra với chủ trương áp chuẩn khí thải với xe máy lúc này là nguồn lực đâu để thực hiện kiểm định hơn 74 triệu xe máy trên cả nước, trước mắt là 15,4 triệu xe máy tại Hà Nội, TP.HCM vào đầu năm 2027.
Ông Đình cho rằng điều cần lưu ý là sau khi thực hiện cấm không cho sử dụng xe máy cũ nát, phát thải lớn, không đúng chuẩn thì đâu sẽ là phương tiện thay thế để người dân, đặc biệt những người lao động nghèo ở đô thị, đi lại mưu sinh.
Chúng ta phải cho người dân sự lựa chọn thay thế trước khi "tước đi" phương tiện đi lại của họ. Đây là bài toán khó vì hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội và TP.HCM chưa đáp ứng đủ nhu cầu và tiện lợi cho người.
Hỗ trợ người dân chuyển đổi xe
Cũng theo ông Đình, cần có nơi thu mua xe máy cũ hay chuyển đổi xe cho người dân.
"Ngoài ra, như Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp như ban hành quy định về việc chạy xe máy điện, sử dụng xe đạp.
Đi xe đạp ở Trung Quốc rất tiện lợi, họ xây dựng những làn đường riêng dành cho xe đạp.
Ở Singapore, họ cấm xe máy khi đã xây dựng được một hệ thống tàu điện ngầm khắp đô thị, tạo thuận lợi cho di chuyển của người dân.
Nói cách khác, chính quyền đã cung cấp cho người dân phương tiện khác trước khi cấm xe máy chạy xăng", ông Đình nhấn mạnh.
Còn theo TS Hoàng Dương Tùng: "Để thực hiện được các chính sách về môi trường, cần có những giải pháp khuyến khích để người dân tham gia tích cực. Ví dụ như những chiếc xe đã quá cũ nát trong khi chủ phương tiện không có điều kiện thì nên hỗ trợ phần tiền để họ mua xe mới hoặc chuyển đổi qua xe điện.
Cần khuyến khích ra sao để kích thích người dân tham gia, tránh cào bằng. Ban đầu chỉ nên hướng tới những gia đình thực sự không có điều kiện để đổi xe trong khi "cần câu cơm" của họ đã quá cũ nát. Và nên làm thí điểm trước, sau đó mới triển khai trên diện rộng và công khai minh bạch".