Anh rút ngắn thời gian cho phép du học sinh ở lại, siết yêu cầu với trường

Đây là những đề xuất vừa được chính phủ Anh công bố nhằm giảm số lượng người nhập cư và tăng cường kiểm soát biên giới, nối tiếp loạt động thái thắt chặt đã được triển khai trong thời gian qua.
Loạt biện pháp thắt chặt
Chính phủ Anh hôm 12.5 công bố sách trắng nhập cư để trình Quốc hội nước này, trong đó đưa ra nhiều yêu cầu thắt chặt nhập cư. Các biện pháp được nêu trong sách trắng giúp tái cấu trúc hệ thống nhập cư của Anh theo hướng ưu tiên cho những ai có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế, chấm dứt phụ thuộc vào tuyển dụng quốc tế, theo thông cáo chính thức.
Một điểm đáng chú ý trong tài liệu dài 82 trang này là quyết định rút ngắn thời gian cho phép du học sinh ở lại sau tốt nghiệp mà không cần bảo lãnh, xuống 18 tháng thay vì 2-3 năm như trước đây theo diện visa làm việc sau tốt nghiệp (Graduate route). Chính phủ Anh còn xem xét áp thuế lên nguồn thu từ sinh viên quốc tế của các cơ sở giáo dục ĐH để tái đầu tư vào hệ thống giáo dục ĐH và đào tạo kỹ năng trong nước, sách trắng nêu.
Một lộ trình khác được đề cập là các chương trình học tiếng Anh ngắn hạn từ 6-11 tháng tại các cơ sở giáo dục được kiểm định cho người học từ 16 tuổi trở lên. Theo chính phủ Anh, gần một nửa đương đơn ứng tuyển diện này đã bị từ chối trong năm 2024 do không thật sự có ý định đi học. Vì lẽ đó, Anh dự kiến thắt chặt lộ trình này đồng thời đánh giá lại các tổ chức kiểm định để đảm bảo quy trình đủ chặt chẽ.
Cũng liên quan đến lĩnh vực du học, chính phủ Anh đề xuất siết chặt yêu cầu với các cơ sở giáo dục ĐH có quyền tuyển sinh người nước ngoài. Một số quy định nổi bật là nâng tiêu chuẩn BCA (bài đánh giá thường niên để theo dõi mức độ tuân thủ của từng trường), ra mắt hệ thống đánh giá mới. Những trường có nguy cơ không đạt chuẩn sẽ bị hạn chế tuyển du học sinh và phải tham gia kế hoạch cải thiện lại.
Ngoài ra, nếu ủy quyền tuyển sinh người nước ngoài thông qua các công ty du học, các trường phải đăng ký tham gia "Khung đánh giá chất lượng công ty du học" (AQF) - một hệ thống được thiết kế nhằm duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc quản lý các công ty du học. Đồng nghĩa, trường vẫn phải chịu trách nhiệm về sinh viên mà mình bảo lãnh xin visa du học chứ không phó mặc hoàn toàn cho công ty du học.
Thân nhân đi cùng du học sinh phải chứng minh có năng lực tiếng Anh
Một điểm đáng chú ý khác là chính phủ Anh lần đầu bắt buộc thân nhân đi cùng du học sinh phải chứng minh có năng lực tiếng Anh, với trình độ tối thiểu là A1 dựa theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu để được nhập cảnh; yêu cầu cao hơn nếu muốn gia hạn visa và xin định cư lâu dài. "Khi đến Anh, người nhập cư phải cam kết hội nhập và học ngôn ngữ của chúng ta", Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu hôm 12.5.
Động thái này tiếp tục thể hiện nỗ lực giảm số lượng thân nhân đi cùng du học sinh, khi nước này hồi đầu năm ngoái đã hạn chế sinh viên quốc tế mang theo thân nhân tới Anh, trừ những ai học khóa nghiên cứu sau ĐH hoặc các khóa do chính phủ tài trợ.
Trước đó vào tháng 3, Anh cũng bắt đầu tăng phí ở hầu hết các loại visa du học, du lịch và làm việc, cũng như một số dịch vụ khác liên quan. Trong đó, phí xin visa du học tăng 7%, từ 490 bảng (16,2 triệu đồng) lên 524 bảng (17,3 triệu đồng). Tuy nhiên, nếu đương đơn chỉ học tiếng Anh ngắn hạn không quá 11 tháng, mức phí là 214 bảng (7 triệu đồng) - và cũng tăng 7%.
Trước đó vào hồi đầu năm, Anh cũng tăng yêu cầu chứng minh tài chính sau 5 năm giữ nguyên, lên mức 1.136 bảng/tháng (37,6 triệu đồng) với các khóa ngoài khu vực London và 1.483 bảng/tháng (49,1 triệu đồng) với các khóa học ở London, đều tăng 10% so với mức trước đó. Theo Bộ Nội vụ Anh, du học sinh phải chứng minh bản thân đáp ứng đủ tài chính trong tối đa 9 tháng.
Bên cạnh đó, nếu mang theo thân nhân đi cùng, du học sinh cần phải chứng minh mình có thêm 680 bảng/tháng (21 triệu) mỗi người với các khóa học ngoài London, với các khóa học ở London là 845 bảng/tháng (26 triệu đồng). Và nếu học nội trú ở các trường tư thục, du học sinh phải chứng minh có đủ tiền đóng học phí lẫn phí nội trú trong một năm học, Bộ Nội vụ Anh lưu ý thêm.
Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan thống kê giáo dục ĐH Anh, năm học 2022-2023 ghi nhận 3.240 người Việt du học Anh bậc ĐH, giảm hơn một nửa so với năm học trước đó (7.140 người) và thấp hơn thời điểm đại dịch diễn ra (3.725 vào 2020-2021). Trong khi đó, nhiều báo cáo gần đây từ IDP, AECC cho thấy các quốc gia Úc, Anh, Canada không còn là lựa chọn hàng đầu với du học sinh sau loạt thay đổi chính sách vừa qua.