Ánh mắt tĩnh lặng của người mẹ và em bé sinh ra chỉ nặng 1,3 kg

Cuốn sách này mang tới cho người đọc một cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về những ảnh hưởng của "nghịch cảnh thời thơ ấu" (ACE) với sức khỏe tinh thần của con người.
![]() |
Cảm xúc của người mẹ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa: L.C. |
Cha mẹ có con nhỏ đến phòng khám của tôi với đủ loại cung bậc cảm xúc: Kiệt sức, sung sướng, lo lắng, tự hào, khiếp sợ. Vì thế khi mang con gái Nia đến gặp tôi, Charlene hoàn toàn không biểu hiện cảm xúc gì, điều đó đã khiến cô khác biệt. Khi tôi hỏi người mẹ trẻ này thông tin về bé thì cô có đáp lời, nhưng khuôn mặt và ánh mắt đều tĩnh lặng một cách không bình thường.
Như thể chúng tôi đang nói về cỡ giày của cô hay chuyến xe bus số 22 sẽ đến lúc mấy giờ vậy. Ngoài chuyện đó ra thì Charlene không khác gì các bà mẹ tuổi đôi mươi có con sơ sinh; cô mặc quần jeans gọn gàng phối cùng một chiếc áo xinh xắn, mái tóc buộc gọn sau gáy.
Tuy nhiên, trường hợp của Nia năm tháng tuổi lại không đơn giản, khi Charlene mang thai, Nia đã ngừng lớn và phải mổ sinh khẩn cấp sớm tám tuần; khi sinh, con bé chỉ nặng vỏn vẹn 1,3 kg. Sau vài tuần ở bệnh viện, Nia phát triển rất tốt và khỏe mạnh xuất viện, nhưng những tuần sau đó tại nhà, con bé lại chật vật để tăng cân.
Khi nhóm chúng tôi làm việc cùng Charlene để tìm hiểu nguyên nhân, tôi càng lúc càng thấy quan ngại. Chúng tôi dành hàng giờ hướng dẫn Charlene cách chuẩn bị thức ăn cho con gái, khi nào thì cho ăn và cho ăn bao nhiêu.
Chúng tôi kiểm tra các chỉ số của Nia và xét nghiệm máu. Chúng tôi theo dõi chiều cao, cân nặng của con bé như đơn vị kiểm soát dự án phóng tàu vũ trụ. Trong lúc đó, Charlene cũng được quan sát kỹ hơn.
Dưới lớp vỏ lãnh đạm thờ ơ, Charlene nhanh chóng trở nên cáu kỉnh và quá tải khi con gái khóc hay quấy. Cô bảo bé im đi hoặc hoàn toàn phớt lờ bé. Với tôi, tình huống này rõ ràng giống như một ca trầm cảm sau sinh, nhưng không gì có thể thuyết phục nổi Charlene đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ.
Cuối cùng, sức khỏe của Nia trở nên nguy kịch và chúng tôi không còn cách nào. Con bé bị kém phát triển, một thuật ngữ chỉ việc đứa trẻ không tăng đủ cân và sau cùng, không đạt được những mốc phát triển.
Trong những năm đầu đời, hơn một triệu kết nối thần kinh mới được tạo ra mỗi giây, vì thế nếu một đứa trẻ không nhận đủ chất béo và protein để tạo ra kết nối não bộ lành mạnh, điều này có thể gây ra hệ quả nghiêm trọng. Tôi đã đề nghị Nia được nhập viện, với hy vọng rằng với chế độ chăm sóc liên tục, bé sẽ đạt được số cân nặng mà em rất cần.
Nia nhập viện bốn ngày và đã tăng cân như thế, nhưng ngay sau khi xuất viện, những thành quả đó biến mất. Chúng tôi đã nỗ lực gấp đôi, đưa cả nhân viên xã hội vào cuộc và rất cố gắng đưa Charlene vào điều trị, nhưng cuối cùng phải đưa Nia nhập viện thêm lần nữa.
Lần này, khi nói chuyện với nhóm chăm sóc bệnh nhân nội trú, chúng tôi đồng ý rằng đã đến lúc phải bắt đầu nói về Dịch vụ Bảo vệ Trẻ em (CPS). Giống như chúng tôi, họ cũng thấy vấn đề ở mối quan hệ giữa Charlene và Nia. Charlene vẫn bị trầm cảm, và vẫn từ chối tiếp nhận sự giúp đỡ.
Sau khi Nia được ra viện lần hai, một lần nữa con bé lại kém phát triển tại nhà. Với trái tim trĩu nặng, biết rằng Charlene sẽ bị đẩy vào một tình huống rất tồi tệ, tôi đã phải làm điều mà không bác sĩ nhi nào muốn, đó là đệ đơn lên CPS.
Tôi không biết Charlene có công khai bỏ bê con gái mình, không cho Nia ăn, hoặc có làm đau con bé không, nhưng tôi biết rõ là Nia nằm rất xa dưới bách phân vị thứ ba dành cho cân nặng ngay cả khi đã tính việc con bé bị sinh non. Con bé nằm trong vùng nguy hiểm, và rõ ràng là sự tương tác giữa mẹ và con đã ảnh hưởng đến sự phát triển của Nia.
Trong những trường hợp thế này, thật khó để phân tách mọi thứ. Chúng tôi biết trẻ sinh non có nhiều nguy cơ bị bỏ bê hơn đơn giản chỉ vì chúng có nhu cầu lớn hơn, chu kỳ ngủ lộn xộn hơn, cần được cho ăn thường xuyên hơn, và những nhu cầu đó đủ để làm quá tải một bậc cha mẹ trẻ kiệt sức nào.
Nhưng nếu đứa trẻ không được tương tác qua lại bằng mắt với người chăm sóc, không được kích thích biểu cảm khuôn mặt, không được ôm hôn, các tổn hại hormone và thần kinh có thể xuất hiện, và điều đó ngăn cản sự tăng trưởng bình thường của bé.
Khi một đứa trẻ không được chăm sóc, nó không phát triển đúng cách, ngay cả khi có đủ dinh dưỡng. Có phải vấn đề của Nia là do không được cho ăn đủ? Hay do Charlene quá trầm cảm nên không thể kích thích bé? Sự thật có thể là cả hai.
Đây là lúc tôi xem xét tình huống qua lăng kính căng thẳng độc hại. Chỉ mới năm tháng tuổi, với một người mẹ trầm cảm và không cha, Nia đã có hai ACE. Tôi rất ngờ rằng Charlene cũng có điểm ACE.
Bất chấp nỗi buồn ban đầu khi phải đệ đơn lên CPS và đặt Charlene dưới cặp mắt khắt khe của họ, câu hỏi lớn mà tôi suy nghĩ lúc trước lại nổi lên: Làm thế nào mà ACE lại được truyền một cách bền bỉ từ thế hệ này sang thế hệ khác như thế? Với nhiều gia đình, dường như căng thẳng độc hại được truyền từ cha mẹ sang con cái bền bỉ hơn bất cứ bệnh tật di truyền nào mà tôi từng gặp.