Nhảy đến nội dung
 

Anh em tôi tháo chạy khỏi xóm trọ vì karaoke

Đã từ lâu, tại những khu vực xóm trọ dành cho sinh viên, công nhân, người lao động nghèo, luôn tồn tại một thực trạng gây đau đầu, tạo nên sự bực bội cho hầu hết mọi người nói chung, đó là: tiếng ồn. Đó là tiếng ồn từ nạn hát karaoke, từ nhậu nhẹt, từ bật nhạc lớn tiếng... Phòng trọ thường là sát vách, tường mỏng liền kề với không gian chật chội, nên việc một phòng gây ra tiếng động lớn không chỉ khiến những ai ở phòng sát bên "bị tra tấn", mà hầu như mọi người tại các phòng khác trong khu cũng đều phải chịu trận.

Nếu ai đó từng sống trong một căn phòng tại một khu trọ nào đó mà có người thuê thiếu ý thức, thiếu tôn trọng người khác, thường xuyên gây ra sự ồn ào, mất trật tự... chắc sẽ thấu hiểu sự bực bội, khó chịu đến nhường nào? Thử đặt một câu hỏi thế này: chủ nhân của nó suốt ngày đàn đúm, tụ tập ăn nhậu, rồi khi say xỉn lại hát hò, gào thét, thậm chí còn gây gổ đánh lộn nhau... thì bạn sẽ thấy thế nào?

Chính tôi cũng từng là "người trong cuộc" qua những năm sống cảnh đời ở trọ. Tôi phải chuyển chỗ trọ tới mấy lần trong khoảng mấy năm sinh viên cũng có nguyên nhân từ tiếng ồn của phòng trọ hàng xóm, khiến bản thân không thể chịu nổi.

Tôi còn nhớ, lúc đang học năm hai đại học, và thuê trọ tại khu vực gần trường, trong thâm tâm chúng tôi không muốn thuê phòng tại nơi xa trường, bởi như vậy việc đi lại học hành sẽ không thuận tiện bằng ở gần trường. Thế nhưng sống được vài tháng, tôi bắt buộc phải chuyển tới một chỗ khác vì không thể chịu đựng nổi một nhóm công nhân sống ngay phòng bên cạnh mình.

Hầu như tuần nào nhóm công nhân kia cũng tụ tập để nhậu nhẹt vào buổi tối và kéo dài cho tới tận khuya. Nhiều bữa họ nhậu tới tận một hai giờ sáng, và tiếng cười nói, la hét ầm ĩ khiến cho tôi và bạn không thể ngủ nổi. Một số thành viên khác trong dãy trọ đều khó chịu bảo nhau, rồi đùn đẩy nhau sang "góp ý" với phòng đó. Nhưng cuối cùng không ai dám, vì tất cả đều ngại lỡ nếu họ không tiếp thu mà gây gổ thì lại phức tạp.

>> 'Phạt 10 triệu đồng karaoke tra tấn sẽ như gãi ngứa'

Cũng có vài lần tôi "mách" sự việc với chủ nhà trọ sống ở xa, nhưng chỉ được vài ngày tạm gọi là yên ổn, rồi phòng bên cạnh lại ồn ào, mất trật tự như cũ. Chẳng vậy mà không chỉ riêng phòng tôi chuyển chỗ trọ, nhiều phòng khác ở vài tháng cũng không chịu thấu, phải tìm cách trả phòng.

Thực ra, chuyện thanh niên thi thoảng có cuộc vui, hay ngày nghỉ, ngày lễ... tụ tập ăn nhậu cũng là nhu cầu bình thường và không ai cấm. Nhưng cứ nhậu vào là lè nhè, to tiếng, cãi vã, đánh lộn... làm ồn, mất trật tự, ảnh hưởng tới mọi người khác trong khu trọ thì không thể chấp nhận được.

Cách đây khoảng ba tháng, tôi từng chứng kiến một cuộc ẩu đả giữa các thành viên của hai phòng trọ ngay gần chỗ gia đình mình sinh sống, mà nguyên nhân cũng xuất phát từ nhậu nhẹt. Hôm đó, phòng kế bên có ba người tổ chức ăn nhậu như nhiều lần khác. Cuộc nhậu của họ kéo dài từ chiều cho tới tận hơn 12 giờ đêm vẫn chưa ngừng nghỉ.

Trong lúc nhậu, nhóm này hò hét, lớn tiếng, khiến cho hai cậu sinh viên hàng xóm cực kỳ khó chịu. Vì không ngủ được, một cậu sinh viên đã sang "nhắc nhở" nhóm người kia giữ trật tự. Thế nhưng, thay vì tiếp thu, nhóm người trong men say càng lớn tiếng thách thức, thậm chí lao sang phòng của hai cậu sinh viên để gây gổ, chửi bới. Cuối cùng, sự việc sẽ bùng phát, dẫn tới hai bên lao vào đánh nhau.

Bữa đó, gần chục phòng trọ trong khu, và những hộ dân sống xung quanh khu trọ đều bị đánh thức giữa đêm. May mắn nhiều người qua can ngăn kịp thời, nếu không đã có đổ máu. Sau bữa đó, tôi thấy chủ nhà đã phải đuổi nhóm người hay nhậu nhẹt kia đi để trả lại sự bình yên cho khu trọ.

Ngoài tình trạng nhậu nhẹt, tại các khu vực xóm trọ bấy lâu nay luôn xuất hiện một thứ tiếng ồn làm cho người ta phải nhức óc tới điên đầu, không thể ngủ được, đó là vấn nạn hát karaoke. Đây cũng là nhu cầu sinh hoạt giải trí bình thường của nhiều người, và nó sẽ không có gì đáng nói nếu như người tổ chức "hát cho vui" tuân thủ các quy định về khung giờ cho phép, và mở nhạc với âm lượng vừa phải. Đằng này, tại các khu vực dân cư, có không ít người vô ý thức, bật nhạc hát karaoke vào bất cứ lúc nào tùy thích, với âm thanh to hết cỡ, chẳng khác nào tra tấn hàng xóm.

Tôi có một người anh họ con bác ruột, hiện là sinh viên năm ba, đang ở tại một khu trọ với 15 phòng, không có chủ sống cùng. Mới đây, tới nhà tôi, anh than rằng: "Chắc vài bữa tới anh phải đi kiếm phòng trọ khác thôi, chứ ở chỗ trọ hiện tại kiểu này thì chẳng sớm thì muộn cũng bị điếc". Tôi cười, hỏi lý do, thì anh kể rằng "có phòng trọ ngay sát vách, với nhóm gần chục người lao động buôn bán vặt, hầu như ngày nào cũng bật hát karaoke với âm lượng lớn. Nhiều bữa họ hát tới nửa đêm vẫn chưa chịu ngừng, khiến những người muốn ngủ sớm để sáng dậy đi làm, đi học chịu chết".

Tôi hỏi anh: "Sao không sang góp ý, hay nói chủ nhà nhắc nhở, hoặc đuổi họ đi?". Anh đáp: "Ai mà dám? Em không thấy trước nay bao nhiêu vụ cũng chỉ vì nhắc nhở hàng xóm hát karaoke mà sinh ra mâu thuẫn, thậm chí gây trọng án rồi sao? Còn nói với chủ nhà cũng chỉ được vài bữa, ăn thua gì. Vậy nên cứ im và chịu trận cho lành". Tôi thấy thông cảm với anh, bởi chính tôi cũng từng phải chạy trốn của tiếng ồn đó thôi.

>> Tổ trưởng khu phố mở loa thùng hát karaoke cho 'vui làng vui xóm'

Theo quy định hiện hành, hành vi hát karaoke gây ồn ào, ảnh hưởng đến nhà hàng xóm có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, điểm a, khoản 1, Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau".

Ngoài ra, người vi phạm cũng có thể bị xử phạt theo quy định Điều 17 Nghị định 179/2013/NĐ-CP. Theo đó, hành vi hát karaoke vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Thông tư 39/2010/TT-BTNMT, giới hạn tiếng ồn tối đa cho phép tại khu chung cư, nhà ở riêng lẻ là 70 dBA từ khoảng 6 giờ đến 21 giờ và 55 dBA trong khoảng 21 giờ đến 6 giờ. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như chưa có (hoặc có nhưng rất hiếm) trường hợp bị xử phạt vì hát karaoke gây ồn ào đến hàng xóm.

Không ít người thuê trọ rất thiếu ý thức khi bật mở nhạc to hết cỡ, kích đấu vào loa thùng để "nghe cho đã tai". Đó còn chưa nói tới tình trạng một số người còn khiến hàng xóm phải điên đầu, khi bật mở nhạc vào các khung giờ đáng lẽ ra phải giữ yên lặng để cho mọi người nghỉ ngơi, như buổi trưa hay lúc tối muộn.

Theo tôi nghĩ, các chủ nhà trọ phải đề ra nội quy sinh hoạt, có cam kết không làm ồn, không làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh, để bắt buộc người thuê thực hiện. Nếu một khi người thuê vi phạm, thường xuyên gây ồn bằng các hình thức khác nhau, làm ảnh hưởng tới những người khác xung quanh, thì chủ nhà trọ phải quán triệt, nhắc nhở, thậm chí đuổi khỏi khu trọ vẫn tiếp diễn. Ngoài ra, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cũng phải có biện pháp xử lý mạnh tay đối với các trường hợp gây ồn ào, mất trật tự khu dân cư, làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Thạch Bích Ngọc