Ám ảnh tiếng nổ lớn trước khi lũ quét, sạt lở đất ập xuống

Trước khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất, người dân các xã Đồng Phúc, Yên Dương (H.Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) nghe thấy những tiếng nổ lớn, ngay sau đó, bùn đất, đá hộc... tràn xuống vùi lấp nhà cửa, ruộng vườn.
Nổ rất to, rung chuyển như động đất
Trận lũ quét, sạt lở đất xảy ra đêm 17.5 và rạng sáng 18.5 ở thôn Tẩn Lượt, xã Đồng Phúc và thôn Phiêng Khăm, xã Yến Dương (H.Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) để lại nỗi ám ảnh cho nhiều người dân địa phương. Bởi chưa khi nào, họ phải trải qua giờ phút căng thẳng, kinh hoàng đến thế.
Nhà ở thôn Tẩn Lượt, gần cổng Trạm y tế xã Đồng Phúc, chị Nông Thị Miền kể, khoảng 20 giờ tối 17.5, mưa ào ào như trút nước. Bình thường, người dân trong thôn đều đi ngủ sớm nhưng "thấy trời mưa to thì không ai dám ngủ". Chị Miền ở nhà trông con, còn chồng liên tục đảo ra bờ suối canh mực nước.
"Khoảng hơn 11 giờ đêm, chồng tôi chạy về báo nước suối dâng cao, cứ nghĩ lũ lên như mọi khi. Nhưng lần này, nước lên rất nhanh kèm theo tiếng ầm ù ầm ù vọng lại. Không dám ở lại nhà, vợ chồng tôi bế con chạy ngược lên đỉnh dốc, nhìn lại phía sau, lũ tràn về ào ào cuốn phăng mọi thứ", chị Miền kể.
Nhà ở thôn Hà Trang, sát hiện trường lũ quét thôn Tẩn Lượt, chị Chu Thị Quyến, Bí thư Đoàn thanh niên xã Đồng Phúc còn chút may mắn vì ngôi nhà dù giữ được nguyên vẹn, nhưng toàn bộ ruộng vườn, hoa màu bị vùi lấp hoàn toàn.
"Khoảng 12 giờ đêm xuất hiện liền 2 tiếng nổ rất lớn, rung chuyển mặt đất. Chúng tôi cứ ngỡ là động đất. Chỉ 5 phút sau, đất đá, bùn, tràn xuống, và sau 30 phút nhiều khu vực trong thôn bị san phẳng, nhấn chìm. Khung cảnh lúc đó rất hỗn loạn, mọi người hò nhau chạy. Không xác định được lũ đến từ đâu, có người chạy lên tầng hai, người leo lên mái nhà. Suốt đêm hôm đó, mọi người tìm cách giải cứu những người mắc kẹt hoặc đi tìm người mất tích", chị Quyến nhớ lại.
Cùng xảy ra sạt lở đất, lũ quét đêm ngày 17.5, thôn Phiêng Khăm, xã Yến Dương gánh chịu tổn thất nặng nề khi có 2 người chết, 2 người bị thương. Nhiều ngôi nhà bị lũ san phẳng, cuốn trôi.
Kể lại với chúng tôi, ông Tiểu Xuân Tài, Trưởng thôn Phiêng Khăm vẫn ám ảnh về tiếng nổ lớn trước khi lũ quét, sạt lở đất ập về. "Khoảng 22 giờ 30 phút, một tiếng nổ lớn vang lên từ đỉnh núi khiến nhiều người giật mình. Sau đó, nước, đất đá từ trên cao tràn xuống, cuốn theo mọi thứ trên đường đi", ông Tài nói.
Cũng theo ông Tài, khoảng vài năm trước, đỉnh núi phía sau thôn Phiêng Khăm xuất hiện vết nứt rộng khoảng 2 m, và kéo dài hàng chục mét. Người dân đã cảnh giác với vết nứt này nhưng vụ sạt lở xảy ra quá đột ngột, bất ngờ nên người dân không kịp ứng phó. Đây cũng là trận sạt lở đất nghiêm trọng nhất xảy ra ở Phiêng Khăm trong vài chục năm trở lại đây.
9 xã trong vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở
Sau hơn 1 ngày xảy ra lũ quét, sạt lở đất, thôn Tẩn Lượt và thôn Phiêng Khăm vẫn ngổn ngang bùn, đất đá. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai đang gặp nhiều khó khăn, hệ thống điện chưa được khôi phục trở lại.
Ngày 19.5, khoảng 400 cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện... được tăng cường đến các thôn để hỗ trợ người dân dọn dẹp bùn đất, vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, tại xã Đồng Phúc, chính quyền địa phương phát hiện thêm 1 điểm sạt lở mới đang uy hiếp, đe dọa an toàn của hàng chục hộ dân thôn Nà Boóc. Chính quyền địa phương lên phương án sẵn sàng sơ tán người dân nếu trời tiếp tục mưa to.
Cũng theo thông tin từ UBND H.Ba Bể, hai thôn xảy thiên tai vừa qua đều nằm trong khu vực có địa hình hiểm trở, đồi núi cao bao quanh với nhiều khe suối. Khi mưa lớn kéo dài, nước tích tụ từ thượng nguồn dồn về gây ra lũ quét, sạt lở đất.
Qua rà soát, H.Ba Bể xác định có 9 xã nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Hiện nay, UBND H.Ba Bể yêu cầu chính quyền và người dân địa phương đề cao cảnh giác, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trong những ngày tới, sẵn sàng phương án sơ tán người, tài sản khi xảy ra mưa lớn.