Ám ảnh cân bằng phản ứng oxy hóa khử của đứa em lớp 10

Tôi dành ba ngày để đọc sách giáo khoa, xem video hướng dẫn trên mạng hòng nhớ lại kiến thức hóa học xưa cũ, nhưng vẫn bó tay, không nhớ được cách làm.
Chả là tôi có đứa em cũng bị "dốt Hóa" giống tôi hồi xưa và đang gặp rắc rối với mớ bòng bong cân bằng phản ứng oxy hóa khử. Bài tập là một xấp giấy A4 với hàng trăm phương trình hóa học cần cân bằng.
Với những phương trình đơn giản, có thể cân bằng tay. Còn những phương trình với sự tham gia của nhiều hợp chất, hệ số lớn thì hầu như bó tay. Cứ loay hoay cân bằng, bên này thiếu thì bên kia dư, mãi không bằng nhau.
Rồi tôi nhớ tôi dốt Hóa như thế nào. Hóa học được dạy năm lớp 8. Hai năm lớp 8 và 9 tôi học giỏi môn Hóa. Mọi chuyện trở nên tệ không kiểm soát khi vào lớp 10, tôi bị mất căn bản vì cũng không nắm được cốt lõi của cân bằng phương trình oxy hóa khử. Hỏi giáo viên, thì với góc nhìn của người dạy, họ nói "dễ mà". Hỏi bạn thì phần lớn cũng sợ môn Hóa như tôi.
Một khảo sát vào năm 2015 tại TP HCM trên 53 giáo viên Hóa học cho thấy hơn 54% cho rằng học sinh có thái độ tiêu cực với môn Hóa, bao gồm cả cảm giác "sợ", "ngán" và "không đam mê".
Gần 10 năm sau, dù chương trình giáo dục đã thay đổi, sách giáo khoa đã cải tiến, nhưng thực trạng vẫn không mấy sáng sủa. Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp Khoa học Xã hội (gồm Sử, Địa, Giáo dục công dân) thường chiếm áp đảo. Các môn tự nhiên như Vật lý, Hóa học... tiếp tục nằm "chiếu dưới". Phải chăng nỗi sợ vẫn chưa được hóa giải?
Nguyên nhân không chỉ đến từ nội dung khô khan của môn học, mà phần lớn nằm ở cách giảng dạy và đánh giá. Khi Hóa học trở thành những ký hiệu trừu tượng và những công thức cần học vẹt, học sinh không còn cảm nhận được sự kỳ diệu của khoa học.
Họ không hiểu vì sao chất này phản ứng với chất kia, không thấy Hóa học hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, từ viên pin điện thoại đến quá trình lên men làm sữa chua. Hóa học trở thành thứ gì đó ở xa đời sống, khô cứng và đòi hỏi trí nhớ nhiều hơn tư duy.
Khi học sinh còn ám ảnh, vật lộn với mớ phương trình hóa học thì thời gian đâu để kết nối Hóa học với đời sống - như các thí nghiệm đơn giản trong lớp, ứng dụng Hóa vào thực phẩm, môi trường, y tế?
Học Hóa không phải để ai cũng trở thành kỹ sư hóa học. Nhưng chí ít, cũng đừng để học sinh "sợ". Học sinh cũng không cần phải cố nhớ hết mớ phương trình để sống sót qua các bài kiểm tra, chỉ để rồi quên sạch sau đó.
Mạnh Lê