Nhảy đến nội dung
 

Ai được quyền quyết chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân?

(Dân trí) - Chính phủ trình Quốc hội cho phép Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư công, nhiều ý kiến tán thành đề xuất này.

Chiều 5/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Bổ sung nhiều chính sách đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử

Ông Long cho biết sau 17 năm triển khai thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã bộc lộ bất cập, hạn chế.

Luật này chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ; quy định về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân và quản lý Nhà nước đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu chưa toàn diện, đầy đủ..., theo ông Long.

Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi lần này bổ sung nhiều chính sách đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Các chính sách này phù hợp với quan điểm tại Nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo dự thảo luật, Nhà nước ưu tiên đầu tư có trọng điểm và khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và điện hạt nhân.

Bên cạnh đó, Nhà nước có chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; ưu tiên nguồn lực quốc gia để đầu tư phát triển công nghệ chiến lược trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được hưởng các ưu đãi do Chính phủ quy định chi tiết, theo dự thảo luật.

Dự thảo luật lần này cũng bổ sung chính sách về xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Theo đó, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử, bức xạ được hưởng chính sách ưu đãi, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng dịch vụ. Doanh nghiệp, tổ chức được khuyến khích thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Dự luật cho phép đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cơ sở tiến hành công việc bức xạ; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân Việt Nam được hợp tác với tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế thành lập các phòng thí nghiệm chung; thuê, cho thuê tài sản và sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, liên doanh, liên kết; tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với quan điểm xây dựng dự án

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với quan điểm xây dựng dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ.

Về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, cơ quan thẩm tra nhất trí với sự cần thiết và nội dung thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng cần cân nhắc kỹ đến khả năng bảo đảm an toàn của cá nhân, tổ chức khi đầu tư, thành lập cơ sở tiến hành công việc bức xạ, cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ.

Về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, theo cơ quan thẩm tra, cần bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Điều 30 của dự thảo Luật.

Theo đó, thiết kế nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định và phê duyệt, trong đó có tính đến các yêu cầu đặc thù của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trường hợp nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do các cơ quan chuyên môn của Việt Nam tự thiết kế thì cần bổ sung quy định về việc tuân thủ yêu cầu về an toàn và an ninh hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Về thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, ông Huy cho biết đa số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, quy định Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Theo đề xuất, Thủ tướng cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan để tạo cơ chế linh hoạt, chủ động và đẩy nhanh tiến độ trong việc triển khai các dự án nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng cần rà soát kỹ hệ thống pháp luật để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi cũng như đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn bức xạ và hạt nhân.