ABBANK và Quỹ SVF hợp tác thúc đẩy công nghiệp văn hóa sáng tạo, phát triển bền vững

Ngày 15.4.2025, ABBANK và Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) chính thức trở thành đối tác chiến lược, phối hợp triển khai các dự án nâng cao năng lực cá nhân và thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, chung tay xây dựng cộng đồng hạnh phúc, phát triển bền vững.
Theo nội dung của thỏa thuận hợp tác chiến lược, trong vòng 05 năm, ABBANK và SVF sẽ phối hợp triển khai các dự án hướng đến mục tiêu xây dựng mạng lưới các nguồn lực và triển khai chương trình can thiệp để xây dựng và hình thành một cộng đồng đạt tới 10.000 tác nhân chuyển hóa. Đây là những chủ doanh nghiệp, chuyên gia, người trẻ và những cá nhân có chung động lực sống, làm việc, cống hiến vì một Việt Nam phát triển vươn tầm và bền vững.
Sứ mệnh của dự án hợp tác giữa ABBANK và SVF cũng như của 'cộng đồng tác nhân chuyển hóa' bám sát tinh thần Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, từ đó gia tăng nhận thức về sức mạnh của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn. Các hoạt động kiến tạo sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực cá nhân thông qua cung cấp kiến thức, kỹ năng về phát triển xanh, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống; đồng thời tôn vinh và dưỡng trưởng tình yêu, trách nhiệm, sự tự hào đối với các giá trị văn hóa, di sản của dân tộc.
Với việc tập trung đầu tư vào con người, ABBANK và SVF kỳ vọng sẽ nuôi dưỡng và lan tỏa những tư duy xanh – sáng tạo, hành động tích cực cho xã hội và môi trường, đồng thời hướng tới việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản – đặc biệt là di sản làng nghề truyền thống. Sự kết hợp giữa di sản văn hóa và các làng nghề truyền thống tạo nên một nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, là nền tảng vững chắc để xây dựng một nền công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển. Hai bên sẽ cung cấp các hình thức hỗ trợ đa dạng, thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, tạo sinh kế, đóng góp vào sự phát triển chung của Đất nước.
Dự kiến, hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ hợp tác giữa ABBANK và SVF sẽ được khởi động trong quý II/2025 tập trung vào các làng nghề truyền thống tại Huế, nhằm lan tỏa giá trị văn hóa và thúc đẩy kinh tế xanh tại địa phương, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa công nghiệp và sáng tạo.
Hợp tác chiến lược này nằm trong lộ trình thực thi chiến lược phát triển bền vững của ABBANK trong năm 2025. Theo đó, ABBANK thực hiện thúc đẩy đổi mới thông qua việc triển khai các sáng kiến phát triển bền vững tuân theo tiêu chuẩn ESG, ưu tiên yếu tố Xã hội (S) như nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện chính sách đãi ngộ cho CBNV và mở rộng các hoạt động hướng đến cộng đồng, góp phần tạo dựng môi trường tài chính toàn diện và trách nhiệm.
Ông Phạm Duy Hiếu - Tổng Giám đốc ABBANK chia sẻ tại Lễ ký kết: "Là một giá trị cốt lõi thuộc trụ cột Social (Xã hội) trong khuôn khổ ESG, phát triển con người bền vững (đầu tư dài hạn vào năng lực, sức khỏe, giáo dục và hạnh phúc tổng thể) luôn là một trọng tâm được ABBANK dành nhiều tâm huyết và ưu tiên. Hợp tác chiến lược giữa ABBANK và SVF là một trong những minh chứng rõ nét cho cam kết này cũng như cho tinh thần phụng sự khách hàng – phụng sự cộng đồng mà ABBANK đang theo đuổi."
Phát biểu về sự kiện hợp tác cùng ABBANK, bà Nguyễn Nhã Quyên – Giám đốc Vận hành SVF cho biết: "SVF và ABBANK chia sẻ tầm nhìn chung về phát triển bền vững, đó là việc đặt trọng tâm vào chuyển hóa con người, từ đó mới tiến tới chuyển hóa Đất nước. Dự án hợp tác song phương đặt nền tảng cho một tương lai nơi con người sống hạnh phúc, hài hòa với môi trường. Mỗi cá nhân được trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia tích cực vào cuộc cách mạng 4.0, đồng thời góp phần xây dựng các mô hình kinh tế xanh và tuần hoàn. Chúng tôi kỳ vọng mỗi cá nhân với tinh thần đổi mới sáng tạo, trách nhiệm và tình yêu, niềm tự hào với di sản văn hóa dân tộc trở thành nhân tố thay đổi tích cực cho xã hội, môi trường và sự phát triển của Việt Nam".