9 thói quen sống cực tiết kiệm của mẹ chồng 60 tuổi: Người ngoài chê bai, còn tôi thì chỉ thấy ngưỡng mộ

Ngày nay, tiêu chuẩn sống của nhiều người đã thay đổi: tiện lợi, hiện đại, chất lượng cao. "Tiết kiệm" dường như dần trở thành một từ ngữ xa lạ, thậm chí có phần... lỗi thời.
Vì vậy, khi tôi đăng bài chia sẻ về 9 thói quen tiết kiệm của mẹ chồng – một người phụ nữ 60 tuổi – lên mạng xã hội, tôi thực sự không ngờ lại nhận về hàng loạt bình luận chê bai: "Đây đâu phải tiết kiệm, đây là nghèo đói!", "Khổ quá hóa quen rồi!"...
Nói thật, tôi vừa giận vừa buồn. Mẹ chồng tôi không hề nghèo. Bà là công nhân đã nghỉ hưu, lương hưu khá ổn. Việc tiết kiệm đã thành nếp sống, xuất phát từ sự quý trọng từng đồng tiền, từng vật phẩm, chứ không phải vì thiếu thốn.
Và tôi tin rằng, tiết kiệm – nếu hiểu đúng – chính là một đức tính đẹp, là "báu vật" mà các thế hệ trước đã cần mẫn truyền lại.
Dưới đây là 9 thói quen tiết kiệm mà mẹ chồng tôi vẫn duy trì đến bây giờ. Bạn thử xem, đó là "nghèo" hay là một kiểu "giàu có" tinh thần?
1. Gom nước lạnh trước khi có nước nóng để tận dụng
Khi mở vòi nước nóng, phần nước lạnh đầu tiên không bao giờ bị lãng phí. Mẹ chồng tôi luôn đặt một cái chậu hứng nước, để dùng rửa sàn, giặt đồ, hoặc xả bồn cầu.
Thói quen nhỏ ấy, chẳng tốn sức, nhưng tiết kiệm được bao nhiêu nước mỗi ngày!
2. Rớt hạt cơm, miếng thức ăn ra bàn cũng nhặt lên ăn
Mỗi hạt cơm, mỗi miếng thức ăn đều được trân trọng. Dù chỉ rơi trên mặt bàn, bà cũng nhặt lại ăn, không phí phạm.
Nồi cơm sau khi xới cũng được bà tráng sạch với nước nóng rồi uống như nước canh – thói quen khiến tôi thực sự nể phục.
3. Một tờ khăn giấy, chia đôi để dùng
Bà chưa bao giờ tiêu xài vô tội vạ với những vật dụng nhỏ. Một gói khăn giấy mini, bà dùng cả tuần.
Đi ăn, chỉ cần lau miệng, bà xé nửa tờ, hai người dùng chung. Nếu cần lau đồ dơ, cũng cắt vừa đủ diện tích, không bao giờ lấy thừa.
4. Phong bao lì xì cũ được giữ lại tái sử dụng
Phong bao lì xì qua mỗi dịp Tết, nếu còn đẹp, bà sẽ giữ lại cẩn thận, năm sau mang ra dùng tiếp.
Nhờ vậy, bao năm nay, gia đình tôi chẳng bao giờ phải mua thêm phong bao, dù chỉ một cái.
5. Mọi thứ trong nhà tắm phải dùng đến "giọt cuối cùng"
Từ kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội đến nước rửa chén, nước giặt... món nào cũng được tận dụng triệt để.
Bà bóp đến cạn, thậm chí cắt bao bì ra để vét sạch. Bình nước giặt, nước rửa chén luôn được thêm nước tráng sạch ba, bốn lần cho đến khi hết bọt.
6. Chiếc cốc uống nước 20 năm vẫn dùng tốt
Chiếc cốc sứ mẹ chồng tôi dùng đã hơn 20 năm – từ trước cả khi tôi về làm dâu.
Bà không chạy theo mẫu mã mới, không ham đổi màu sắc thời thượng. Đối với bà: "Cốc chỉ để uống nước, không vỡ thì cần gì mua mới?".
7. Quần áo, giày dép chỉ mua khi thật sự cần
Tủ đồ của mẹ chồng tôi rất gọn gàng: mỗi mùa chỉ 3–4 bộ đồ, 2–3 đôi giày cơ bản. Quan điểm của bà là: "Còn mặc được thì không mua thêm. Muốn mua mới, phải bỏ cái cũ". Chứ không như nhiều người trẻ – tủ chất đầy đồ nhưng vẫn than "không có gì để mặc".
8. Dùng 3 món mỹ phẩm suốt cả năm
Trong thời đại bùng nổ mỹ phẩm, bà chỉ dùng 3 món: Xà phòng cục để tắm rửa và rửa mặt, một tuýp kem dưỡng da giá rẻ, và kem đánh răng.
Không phải bà không biết đến các sản phẩm dưỡng da đắt tiền – bà biết. Nhưng bà tin rằng, vẻ đẹp tự nhiên và sự khỏe mạnh từ bên trong mới là điều quan trọng.
9. Tuyệt đối không mua thực phẩm chức năng vô tội vạ
Mẹ chồng tôi sống giữa một khu dân cư toàn các cụ hưu trí – môi trường màu mỡ cho những chiêu trò bán hàng đa cấp, thực phẩm chức năng.
Thế nhưng, bà chưa từng bị lôi kéo mua dù chỉ một lọ thuốc, một hộp thực phẩm bổ sung.
"Bệnh thì đi khám bác sĩ. Không nghe lời cò mồi" – đó là nguyên tắc thép của bà.