9 năm trăn trở kết nối doanh nghiệp tư nhân với nền kinh tế quốc gia

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc văn phòng Ban IV - chia sẻ suốt 9 năm đồng hành cùng khu vực kinh tế tư nhân bà luôn trăn trở với một câu hỏi lớn làm sao kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và nền kinh tế quốc gia.
Chia sẻ tại diễn đàn “Phát triển xung lực mới cho quốc gia” mới đây, Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, trong suốt 9 năm qua, đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân và khu vực kinh tế tư nhân, bà luôn trăn trở với một câu hỏi lớn làm sao để kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân trong nước và nền kinh tế quốc gia.
“Ở giai đoạn đầu, chúng tôi mày mò, hay còn gọi là sự nỗ lực tìm đường. Nhưng sau đó, chúng tôi không khỏi cảm thấy ấm ức khi nhận thấy mọi thứ vẫn còn dàn trải, thiếu chiều sâu – dù Việt Nam có rất nhiều người tài, doanh nghiệp mạnh, đầy khát vọng. Tuy nhiên, thật bất ngờ và rất đáng mừng, thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết mang tính nhất quán, xuyên suốt từ khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho đến ngoại giao kinh tế. Trong bối cảnh mới đó, yếu tố quyết định chính là con người – đội ngũ đủ năng lực để thực thi. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục các nhiệm vụ hiện có, chúng tôi đang chủ động tham gia những công việc mang tính kết nối sâu sắc hơn – nhất là trong câu chuyện thực thi Nghị quyết 57”, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ nói.
Vẫn theo bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, muốn hiện thực hóa Nghị quyết 57, chúng ta cần xây dựng một lực lượng nhân lực mới – những con người có tư duy đột phá, năng lực đáp ứng những yêu cầu hoàn toàn mới của thời đại. Tuy nhiên, cần đặt ra 3 nhóm vấn đề chính: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong cả khu vực công và tư, chúng ta cần đánh giá rõ: thiếu năng lực ở đâu, thiếu loại người như thế nào? Nhóm nhân sự am hiểu khoa học công nghệ chuyên sâu hiện đang rất thiếu. Những năm gần đây, chủ đề mới như giảm phát thải, chuyển đổi xanh nổi lên mạnh mẽ, nhưng đội ngũ chuyên gia và nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đủ đáp ứng.
Trong chuyển đổi số, dù có lực lượng CNTT khá dồi dào, nhưng khi bước vào các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, vẫn thiếu lực lượng phù hợp. Ở khu vực doanh nghiệp tư nhân, lại thiếu những người quản lý “có nghề” – tức là quản lý có chiều sâu chuyên môn, hiểu chuyển đổi số là gì, và cần được trang bị kiến thức, kỹ năng mới trong bối cảnh vận hành hiện đại. Ở khu vực công trước áp lực chuyển đổi mạnh mẽ, nhưng đang thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực. Các khái niệm như “quản trị dựa trên dữ liệu”, “lấy người dân làm trung tâm” đang được đưa ra – nhưng câu hỏi là: nguồn nhân lực nào sẽ thực hiện các chiến lược đó?
“Lâu nay chúng ta đặt gánh nặng chuyển đổi số lên vai lực lượng CNTT, nhưng nay mới thấy thiếu trầm trọng nhóm chuyên tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ – yếu tố sống còn trong bất kỳ chuyển đổi nào”, bà Thủy nói.
Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Nghị quyết 57 có thể có thời hạn, nhưng tinh thần của nghị quyết là vĩnh viễn – luôn có giá trị dẫn dắt. Mỗi người dân đều phải ứng dụng khoa học công nghệ vào công việc của mình, để đơn giản hóa quy trình, nâng cao hiệu quả – đó chính là chính sách công thiết thực nhất nhằm nâng cao giá trị xã hội và năng suất quốc gia”.
Chia sẻ tiếp về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khoa, CEO của FPT cho rằng: “Nghị quyết 57 là một cuộc cách mạng, mở ra những cơ hội to lớn cho quốc gia – đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và phát triển nhân lực. Tại FPT, chúng tôi mang bài toán chinh phục khoa học – công nghệ của đất nước và của doanh nghiệp đến với học sinh, sinh viên ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Các em hoàn toàn có thể hình dung và định hình tương lai của mình: trở thành kỹ sư điện tử, kỹ sư siêu thanh, chuyên gia công nghệ sinh học… Tôi tin rằng khi tốt nghiệp, các em sẽ có định hướng rõ ràng mình muốn trở thành ai, đóng góp như thế nào cho sự phát triển của đất nước”.
CEO FPT hy vọng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ đến năm 2045, Việt Nam sẽ có những nhà quản trị tầm cỡ thế giới, góp phần xây dựng một quốc gia phát triển dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ.