Nhảy đến nội dung
 

70 tuổi sống sung túc với 2 căn nhà và khoản lương hưu 21 triệu/tháng, tôi vẫn chọn vào viện dưỡng lão vì giận con: Ở được 2 tháng thì hối hận vô cùng

Tưởng có thể sống tốt mà không cần đến con cái, người cha Trung Quốc dọn đến viện dưỡng lão ở rồi phải “quay xe” trở về chỉ sau 2 tháng.


*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Hứa Minh Kỳ, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).

Ở tuổi 70, khi nhiều người cùng trang lứa phải trăn trở từng đồng để sống qua ngày, tôi tự thấy mình may mắn. Tôi sở hữu 2 căn nhà tại Thâm Quyến – một thành phố đất chật người đông, giá trị bất động sản tăng chóng mặt. Ngoài ra, tôi còn có lương hưu 6.000 NDT/tháng (hơn 21 triệu đồng) sau hơn 40 năm công tác trong một đơn vị nhà nước lớn. Với nhiều người, tôi có tất cả những điều kiện cần thiết để tận hưởng tuổi già trong sự an nhàn, đầy đủ. Thế nhưng, điều tôi không ngờ đến là chính sự đầy đủ ấy lại khiến tôi đưa ra sự lựa chọn sai lầm.

Vào viện dưỡng lão vì giận con cái

Tôi có 2 người con – một trai, một gái. Cả hai đều thành đạt, có gia đình riêng. Con trai tôi là kỹ sư công trình, thường xuyên xa nhà. Con gái làm ngân hàng, lúc nào cũng bận rộn với chỉ tiêu và khách hàng. Sau khi vợ mất, tôi dọn về ở với gia đình con trai, một phần để tiện chăm sóc cháu, phần khác vì tôi không muốn sống một mình trong căn nhà trống trải.

Dẫu vậy, dù sống chung nhà, tôi vẫn cảm thấy cô đơn. Trong bữa cơm tối, cả nhà 4 người ngồi quây quần nhưng ai cũng cắm cúi vào điện thoại. Tôi mở lời nói chuyện thì con dâu cười trừ, con trai gật đầu cho có. Những lúc ấy, tôi chỉ muốn có một ai thực sự lắng nghe. Tôi từng nhiều lần góp ý với các con nhưng chúng luôn có lý do: "Công việc bận quá, ba thông cảm", "Cuối tuần con đưa ba đi ăn", "Ba đừng suy nghĩ nhiều". 

Đỉnh điểm là một lần, tôi đề nghị con trai cả nên sắp xếp công việc để dành thời gian cho gia đình, còn con gái thì tranh thủ mỗi tuần về thăm tôi một lần. Đáp lại, đứa thì bảo đang kẹt dự án, đứa thì nói con cái học hành, không tiện đến chơi. Nghe vậy, tôi nổi giận. Tôi nghĩ: “Mình còn khỏe, còn tiền, chứ đâu phải gánh nặng gì đâu. Nếu chúng không cần mình thì vào viện dưỡng lão ở cho khoẻ”. 

Trong cơn bực tức, tôi quyết định vào viện dưỡng lão sống – một quyết định mà sau này, tôi mới thấu hiểu là sai lầm xuất phát từ tổn thương.

Viện dưỡng lão tôi chọn là nơi khá cao cấp ở ngoại ô thành phố. Phòng sạch sẽ, tiện nghi, có y tá trực 24/24, bác sĩ thăm khám định kỳ. Lúc mới vào, tôi cảm thấy nhẹ lòng. Không còn phải nghe con cái hứa hẹn rồi thất hứa. Ở đây, tôi có nhiều bạn bè cùng độ tuổi, dễ chia sẻ, cùng nhau tập thể dục, đánh cờ, kể chuyện ngày xưa.

Nhưng sau vài tuần, tôi bắt đầu cảm thấy một nỗi buồn âm ỉ. Những câu chuyện kể đi kể lại của những người bạn không còn cho tôi cảm giác mới mẻ hay hứng thú. Tôi cũng để ý thấy nhiều cụ già đến viện dưỡng lão sinh sống vì họ không muốn làm phiền tới con cháu, một số khác đến đây vì con cái quá bận rộn nên không có nhiều thời gian chăm sóc. Tuy nhiên cứ đến cuối tuần hay nghỉ lễ, họ đều có con cháu vào thăm hoặc được đưa về nhà chơi vài ngày. 

Hơn nữa, nếu để ý kỹ, tôi còn nhận thấy rằng những cụ già có con cháu hay đến thăm thường được các y tá ở đây chăm sóc rất chu đáo, hơn hẳn những người “neo đơn”. Hóa ra, người thân của họ đến sẽ thường tặng quà cho các y tá, bởi thế mà bố mẹ của họ được chăm sóc đặc biệt hơn. Điều này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Hoá ra, ngay cả ở viện dưỡng lão – nơi tôi nghĩ cha mẹ sẽ sống rất tốt mà không cần đến con cái – thì sự hiện diện của con cái vẫn là điều không thể thiếu. Bởi đôi khi, chỉ cần có con đến thăm, cuộc sống của người già đã khác đi rất nhiều.

Trở về và học cách yêu thương lại từ đầu

Càng nghĩ ngợi, tôi lại càng thấy nhớ nhà. Nhớ những lần cả nhà cùng nhau đi ăn, dù ngắn ngủi. Tôi cũng dần nhận ra, sự xa cách không hoàn toàn là lỗi của các con. Chúng không thiếu yêu thương, chỉ là quá bận rộn. Còn tôi, thay vì sẻ chia và lắng nghe, lại chọn cách rời bỏ như một hình thức trừng phạt.

Sau 2 tháng sống ở viện dưỡng lão, tôi chủ động gọi cho con trai, bảo: “Ba muốn về.” Con trai đến đón ngay ngày hôm sau. Nó không nói nhiều, chỉ nắm tay tôi và bảo: “Con xin lỗi vì đã để ba thấy mình cô đơn.”

Tôi trở về căn nhà cũ với một tâm thế khác. Tôi không còn mong con cái phải quanh quẩn bên mình suốt ngày. Tôi cũng học cách dùng điện thoại, gọi video, nhắn tin với cháu. Mỗi sáng, tôi tự pha trà, đọc sách, rồi tối ăn cơm cùng gia đình – dù đôi lúc vẫn vắng tiếng cười, nhưng lòng tôi thấy ấm hơn nhiều.

Tôi vẫn ghé thăm viện dưỡng lão mỗi tuần, không phải với tư cách người ở, mà là người bạn – đến trò chuyện, động viên những người bạn cũ, thậm chí tham gia làm thiện nguyện. Nhờ đó, tôi hiểu ra một điều quan trọng: ai rồi cũng sẽ đến lúc già, nhưng già đi không có nghĩa là cô đơn nếu ta biết yêu thương và mở lòng.

Cuộc sống có thể cho ta nhà cửa, tiền bạc, sự đầy đủ về vật chất. Thế nhưng tình thân là thứ không thể mua, không thể ép buộc, và cũng không thể nuôi dưỡng chỉ bằng sự hiện diện. Ở tuổi 75, tôi học được bài học lớn nhất trong đời: muốn nhận được yêu thương, trước hết phải biết cách cho đi – bằng sự thấu hiểu, bao dung và nhẫn nại. Vì sau tất cả, gia đình vẫn là nơi đáng trở về nhất.

 (Theo Toutiao)

 

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn