Nhảy đến nội dung
 

7 triệu đồng cho 5 ngày ác mộng ở trại hè

"7 triệu cho 5 ngày ác mộng ở trại hè. Nhà tôi, tự tôi cho con đi tắm hồ bơi, dạy con bơi, cho con đi công viên chơi, cho con tập chạy xe đạp. Xong xuôi thì cho đi siêu thị mua đồ ăn vặt.

Đâu phải cứ thả con vào rừng, sống kiểu thổ dân sinh tồn mới gọi là va chạm? Bé nào hiểu chuyện thì nó vẫn hiểu, đứa nào bướng bỉnh thì nó sẽ bướng bỉnh. Tuy nhiên, sau khi trưởng thành hơn, mọi thứ sẽ ổn".

Độc giả nickname altphu14 bày tỏ như trên sau bài viết về những góc khuất của trại hè.

Trại hè đang trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều gia đình thành thị. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh chỉ biết đến các chương trình này qua quảng cáo trực tuyến và lời truyền miệng.

Trong bài viết, một phụ huynh ở Hải Phòng đã đăng ký cho con tham gia trại hè 5 ngày với kỳ vọng giúp con trải nghiệm và tự lập. Tuy nhiên, chỉ đến ngày thứ hai, con trai chị đã gọi điện xin về vì không chịu nổi điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, vệ sinh kém, và nội dung hoạt động không như quảng cáo.

Khi trở về, cậu bé cho biết phải nhịn đi vệ sinh, mất ngủ vì nóng và thất vọng vì trại hè chỉ cho "chụp ảnh" thay vì thực sự trải nghiệm.

Một chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm chỉ ra ba góc khuất của trại hè: chương trình "chỉ đẹp trên giấy", điều kiện ăn ở không đạt tiêu chuẩn, người phụ trách thiếu kinh nghiệm.

Độc giả Châu Việt kể: "Tôi có người nhà muốn đăng ký cho con trai đi trại hè. Tôi đã cảnh báo cho họ về cái gọi là 'trại hè' đang nhan nhản như nấm sau mưa, nhưng họ không nghe. Họ vẫn đóng 6 triệu cho khóa 5 ngày cho con. Và sau khi con họ kết thúc về nhà, thì kết quả đạt được là: ôm điện thoại suốt ngày, thể trạng đờ đẫn, thiếu sức sống...

Kết quả không như kỳ vọng (hão) của phụ huynh rằng sau khi đi trại hè về, con mình sẽ tự lập, có trách nhiệm, ý thức hơn trong sinh hoạt".

Trong bài viết trước, nhóm của con gái chị Mỹ Dung và 5 bạn khác cũng trải nghiệm "tệ và rất tệ", sau một chuyến trại hè từ ngày 13 đến 16/6 vừa qua. "Điều mình không hài lòng nhất là nơi sinh hoạt không xứng với số tiền gần 6 triệu đồng", bà mẹ ở Hà Nội nói.

Từ đầu gia đình đã xác định trải nghiệm cuộc sống làng quê sẽ không tránh được côn trùng, nóng nực, nhưng yêu cầu cơ bản là phải sạch sẽ. Nhưng các con miêu tả nhà vệ sinh "đầy bọ gậy, muỗi, gián, giun, nhện. Toilet bẩn đến mức không ai dám đi nặng suốt 5 ngày".

Độc giả Sao Lam đánh giá: "7 triệu cho 5 ngày là 1,4 triệu/ ngày/ cháu.
Ăn thì có thể không cần hoành tráng như nhà hàng, nhưng ít nhất cái nhà vệ sinh phải sạch sẽ thơm tho.

Đương nhiên nhà tổ chức cũng phải có lãi, nhưng để thu lãi nhiều mà làm cho dịch vụ tệ thế này thì thật... 'ối giời ơi'".

Độc giả nickname honghoasuphamk47 cho rằng vấn đề không chỉ ở phía ban tổ chức, mà còn ở chính thói quen của trẻ và kỳ vọng của phụ huynh: "Tôi hay dẫn học sinh đi trải nghiệm - học sinh cấp 3. Các con thường ở 5-6 bạn một phòng:

- Nhiều phòng các bạn phân công nhau dọn rất sạch, kể cả nhà vệ sinh rất thơm tho. Nhiều phòng các con bày bừa toàn rác và không dọn nhà vệ sinh. Các thầy cô phụ trách phải hướng dẫn từ những việc nhỏ nhất, và phải phạt cả phòng các em mới chịu làm, vì ở nhà chưa từng cầm cái chổi, nói gì đến vệ sinh.

- Các em không ngủ nếu không có đệm, điều hòa, quạt thì mỗi bạn một cái. Trong khi trải nghiệm là cả phòng có hai quạt trần.

- Rất nhiều bạn chỉ biết ăn một món duy nhất như: nem, trứng chiên, hay thịt phải băm nhỏ mới ăn - không ăn món bình thường (tôi đánh giá là các món ở kỳ trải nghiệm ăn cũng được). Có cháu bố mẹ còn chuẩn bị cho rất nhiều thịt hộp, sữa... nên chê không ăn cơm của trại hè.

- Nhiều bạn không hợp tác như: giờ nghỉ lại lén dùng điện thoại hay mở nhạc, chơi game... không tôn trọng nội quy và ảnh hưởng bạn xung quanh.

Tôi là giáo viên nên mỗi lần đưa học sinh đi, đêm hôm là tôi gần như không ngủ vì phải đảm bảo các em an toàn

Nếu phụ huynh lo con khổ thì nên cho con ở nhà. Đã đi thì con phải làm quen. Chứ lại giống đi du lịch: khách sạn thơm tho, người dọn phòng hằng ngày và món ăn như ý, thì đâu gọi là rèn luyện?".

Tuy nhiên, về mục tiêu cho con đi trại hè để có trải nghiệm sống, độc giả Thanh Pham Thi My cho rằng nhiều phụ huynh đang ngộ nhận: "Tôi thấy nhiều bạn, nhiều cha mẹ ngộ nhận về trải nghiệm. Trải nghiệm không phải là đưa trẻ vào tình huống nguy hiểm, khó khăn, thiếu ăn và nhà vệ sinh bẩn.

Nói về nhà vệ sinh, thà các bạn dạy trẻ cách xử lý khi đi trekking ở một nơi không có nhà vệ sinh còn có ý nghĩa hơn là cho trẻ ở một nơi có nhà vệ sinh mà lại bẩn (con người ngày càng văn minh, cái trải nghiệm này không cần phải cố chấp nhận).

Còn chuyện ăn uống thiếu thốn, không đủ no thì càng không thể chấp nhận được. Có thể trải nghiệm là khi đi dã ngoại thực tế với tình huống giả định là thiếu lương thực. Nhưng khi về trại thì trẻ phải được nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe. Nơi ở của trẻ phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ.

Các chương trình phải được lên kịch bản và thử nghiệm là an toàn mới được cho trẻ trải nghiệm.
Trẻ em không phải người lớn mà có thể tự quyết định cho những trải nghiệm nguy hiểm, khó khăn trong cuộc sống.

Các trại hè ở nước ngoài chỉ rèn luyện trẻ cách tự lập khi không có cha mẹ bên cạnh, như: mang đồ đi giặt (bằng máy giặt), gấp chăn màn sau khi ngủ dậy, dọn dẹp phòng ngăn nắp, viết nhật ký, trao đổi - giao tiếp để đạt được mong muốn, đi tham quan các điểm (tùy vào độ tuổi và nhu cầu của trẻ - như bé lớn muốn trải nghiệm các đại học danh tiếng...).
Chứ không phải kiểu tập luyện, phơi nắng cho đen rồi ăn uống thiếu thốn và ở bẩn".

Hữu Nghị tổng hợp

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn