7 loại đồ uống “phá hoại” tim mạch nhanh nhất theo chuyên gia, uống 1 chai này tương đương nhai 10 thìa đường

Có những loại đồ uống vô cùng phổ biến - thậm chí nhiều người tưởng uống càng nhiều càng tốt hóa ra lại là "kẻ thù" của tim mạch.
Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Mặc dù tập thể dục và ăn uống lành mạnh là những yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch, nhưng bạn có biết rằng những loại đồ uống chúng ta tiêu thụ hàng ngày cũng có thể trở thành “kẻ thù” tiềm ẩn của tim?
Nếu muốn bảo vệ tim mạch, có 7 loại đồ uống chuyên gia khuyên bạn nên tránh xa hoặc hạn chế uống dù mê đến thế nào:
1. Nước ép trái cây, nhất là loại bán sẵn
Nước ép trái cây mặc dù được coi là một lựa chọn lành mạnh nhưng thực tế lại rất nhiều đường, nhất là với loại đóng chai/hộp sẵn. Nghiên cứu với 106.000 người tham gia ở California (Mỹ) cho thấy, những người uống hơn một cốc nước ép trái cây mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 42% và nguy cơ cần phẫu thuật tim mạch cao hơn 26%.
Nguyên nhân là khi ép trái cây thành nước, lượng đường trong một cốc nước ép 250ml tương đương với hai miếng trái cây cỡ nắm tay. Điều này dễ dẫn đến tình trạng tiêu thụ quá nhiều đường mà không nhận ra. Đường này còn là đường fructose không thân thiện với sức khỏe. Loại bán sẵn còn được thêm đường, hương liệu để tạo vị hấp dẫn hơn.
2. Đồ uống tăng lực
Đồ uống tăng lực thường có chứa lượng caffeine cao gấp 1,5 lần cà phê thông thường và một lượng đường lớn. Mặc dù chúng có thể giúp tỉnh táo tạm thời, nhưng đối với những người có tiền sử loạn nhịp tim, chúng có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng. Theo Tiến sĩ về tim mạch người Mỹ Evan Levine, đồ uống tăng lực là một trong những "kẻ thù" tiềm ẩn đối với sức khỏe tim mạch, gây tăng nguy cơ các vấn đề tim mạch, đặc biệt là với những người có các vấn đề về tim.
3. Nước ngọt
Nước ngọt - gồm cả nước ngọt có ga chứa một lượng đường khổng lồ, gây hại cho sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu ở châu Âu cho thấy, những người uống hơn hai cốc nước ngọt mỗi ngày có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 52%.
Tiến sĩ tim mạch Evan Levine (Mỹ) khẳng định rằng một lon hoặc 1 chai nước ngọt khoảng 320 - 350ml chứa lượng đường tương đương với 10 thìa đường. Dễ dàng dẫn đến tăng triglyceride, tăng cân và thay đổi đường huyết - những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
4. Rượu
Rượu là một chất kích thích, và việc tiêu thụ quá nhiều gây hại cho tim, nhất là với người mắc bệnh tim mạch sẵn. Dù nhiều người cho rằng rượu vang đỏ có lợi cho tim mạch, nhưng các nghiên cứu cho thấy hiệu quả này không rõ ràng và có thể bị tác động bởi các nhà sản xuất rượu. Tổ chức Tim mạch Thế giới cảnh báo rằng không có mức tiêu thụ rượu nào là an toàn cho sức khỏe tim mạch, vì ngay cả lượng nhỏ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ, suy tim và rung nhĩ.
3. Cà phê ngọt
Cà phê có những lợi ích sức khỏe nhất định, nhưng khi chứa nhiều đường, sữa thì lại có thể gây hại cho tim. Cà phê ngọt, đặc biệt là loại đóng chai/hộp bán sẵn thường được thêm rất nhiều đường và kem sữa để dễ uống hơn. Một chai có thể chứa lượng đường tương đương 5-8 thìa cà phê, chưa kể caffeine.
Khi hai yếu tố này kết hợp, chúng làm tăng đường huyết, kích thích thần kinh giao cảm, dễ gây hồi hộp, tăng huyết áp và loạn nhịp tim - đặc biệt nguy hiểm với người có bệnh tim nền. Uống thường xuyên còn làm tăng nguy cơ béo phì và xơ vữa động mạch. Vì vậy, Tiến sĩ Evan Levine khuyên rằng nên uống cà phê đen không đường, nhất là nếu bạn mắc bệnh tim mạch.
6. Đồ uống có hàm lượng natri cao
Mặc dù natri cần thiết cho cơ thể, nhưng tiêu thụ quá nhiều có thể gây tăng huyết áp, tổn hại đến tim và thận. Nhiều đồ uống tưởng chừng lành mạnh lại chứa một lượng natri ẩn, như nước ép trái cây, súp mận chua hay đồ uống thể thao. Tiến sĩ Evan Levine cảnh báo, lượng natri này có thể gây áp lực lên tim, đặc biệt khi bạn không đổ mồ hôi nhiều và vẫn uống quá nhiều đồ uống chứa natri, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp.
7. Nước đá, đồ uống quá lạnh
Không ít người thích uống nước thật lạnh để “giải nhiệt”, nhưng thói quen này có thể khiến mạch máu co lại đột ngột, ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn. Một nghiên cứu trên International Journal of Clinical and Experimental Medicine cho thấy đồ uống lạnh có thể làm tăng trương lực thần kinh giao cảm, khiến nhịp tim thay đổi và tăng gánh nặng lên tim. Nhất là nếu vừa vận động xong.
Với người có tiền sử bệnh tim, hành động này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng như đau thắt ngực hay loạn nhịp. Vì vậy, nên ưu tiên uống nước ở nhiệt độ phòng hoặc hơi ấm để bảo vệ tim mạch.
Nguồn và ảnh: Good Morning Health, The Sun
Ngọc Ái