7 điều cần biết trước khi cai đường

Ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề về răng. Tuy nhiên, trước khi cai đường, bạn nên biết rằng nó có thể mang lại một vài thay đổi trong cơ thể.
Trước khi đưa ra 7 điều cần biết khi cai đường, chuyên gia dinh dưỡng ở Ấn Độ đã chỉ ra những tác hại khi tiêu thụ nhiều đường.
Bệnh tiểu đường
"Lượng đường dư thừa được lưu trữ dưới dạng chất béo trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2", chuyên gia dinh dưỡng Sifa Chishti (Ấn Độ) cho biết.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients, người ta đã tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa tổng lượng đường tiêu thụ và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng cao.
Béo phì
Tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến tăng cân bằng cách tăng lượng calo nạp vào và giảm cảm giác no. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Children cho thấy rằng tiêu thụ nhiều đường bổ sung làm tăng nguy cơ trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì.
Các vấn đề về gan
Fructose được xử lý trong gan và lượng đường dư thừa sẽ dẫn đến tăng mức triglyceride. Chúng tạo ra lượng cholesterol xấu cao và dẫn đến tích tụ mỡ trong gan.
Viêm
Tiêu thụ nhiều đường trong thời gian dài dẫn đến tình trạng viêm, căng thẳng oxy hóa và các rối loạn tự miễn dịch. Chuyên gia Chishti cho biết thêm: "Tình trạng viêm toàn thân mãn tính trong cơ thể có thể làm tăng thêm nguy cơ ung thư".
Sâu răng
Lượng đường cao nuôi dưỡng vi khuẩn có hại trong miệng và gây sâu răng.
Rối loạn đường ruột
Tiêu thụ quá nhiều đường gây ra chứng loạn khuẩn đường ruột, đây là tình trạng mất cân bằng trong cộng đồng vi khuẩn đường ruột. Trong tình trạng này, vi khuẩn có lợi giảm và vi khuẩn có hại tăng nên dẫn đến tình trạng viêm và các bệnh về đường tiêu hóa.
Hạn chế hoặc cai đường có thể là một bước tiến hướng tới một cơ thể khỏe mạnh hơn. Nhưng trước khi cai đường, bạn phải biết cơ thể sẽ phản ứng như thế nào để không bỡ ngỡ, theo trang sức khỏe Healthshots (Mỹ).
Thay đổi tâm trạng khi cai đường
Bỏ đường có thể dẫn đến giảm nồng độ hormone tạo cảm giác dễ chịu như dopamine và serotonin. Chuyên gia Chishti cho biết "Điều này có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng và cáu kỉnh ở một số người". Bạn có thể kiểm soát chúng bằng cách tham gia hoạt động thể chất thường xuyên, thực hành chánh niệm và tiêu thụ các loại thực phẩm hỗ trợ sản xuất serotonin và dopamine tự nhiên như hạt, trứng và các sản phẩm từ sữa.
Các vấn đề về giấc ngủ
Bỏ đường có thể gây rối loạn giấc ngủ vì nó có thể ảnh hưởng đến mức cortisol hoặc hormone gây căng thẳng của bạn. Bạn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách tránh tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, điện thoại... trước khi đi ngủ, thực hành thói quen ngủ sớm và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Đường ruột bị ảnh hưởng
Ban đầu, bạn có thể bị đầy hơi và khó tiêu do sự thay đổi trong hệ vi khuẩn đường ruột, tức là từ vi khuẩn có hại sang vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Ăn các loại thực phẩm lên men như sữa chua hoặc thực phẩm bổ sung men vi sinh sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ.
Thèm đồ ngọt
Cơ thể bạn sẽ không dễ dàng chấp nhận quyết định từ bỏ đường của bạn. Có thể có một cơn thèm đồ ngọt mạnh mẽ sau bữa ăn. Bỏ đường có thể là kế hoạch của bạn, nhưng đừng làm điều đó một cách đột ngột. Thay thế đường bổ sung bằng đường tự nhiên như trái cây và mật ong.
Mệt mỏi
Mức năng lượng của bạn sẽ giảm sau khi cai đường, vốn được biết đến là cung cấp năng lượng nhanh. Để tăng mức năng lượng, bạn nên ăn một bữa ăn cân bằng lành mạnh. Bữa ăn đó phải có protein, chất béo và chất xơ chất lượng tốt. Theo cách này, bạn sẽ không phải lo lắng về tình trạng năng lượng thấp.
Đau đầu
Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân. Và cai đường cũng có thể làm đau đầu. Điều này có thể xảy ra ngay sau khi cai đường do mức dopamine giảm. Hãy giữ đủ nước và ngủ đủ giấc để giảm bớt căng thẳng.
Thay đổi cân nặng
Cân nặng của bạn có thể dao động sau khi cai đường. Vì lượng đường tiêu thụ cao có liên quan đến béo phì hoặc thừa cân, nên việc cắt giảm đường có thể dẫn đến giảm cân. Hãy đảm bảo ăn những bữa ăn cân bằng với lượng chất xơ đầy đủ trong chế độ ăn của bạn.