55 trí thức trẻ gửi tâm thư tới Tổng Bí thư: Nhiều tỉnh muốn tuyển đặc cách vào công chức

Một số địa phương đề xuất Bộ Nội vụ, Chính phủ có chế độ đặc cách cho các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ vào công chức sau 10 năm cống hiến, gắn bó với các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Sau khi 55 đội viên của Đề án 500 trí thức trẻ gửi đơn kiến nghị tới Bộ Nội vụ và gửi tâm thư tới Tổng Bí thư Tô Lâm về việc chưa được tuyển dụng công chức sau hơn 10 năm công tác tại các địa bàn khó khăn, Bộ Nội vụ đã có công văn yêu cầu các tỉnh nghiên cứu, xem xét và đưa ra giải pháp bố trí cho các đội viên.
Địa phương đánh giá cao năng lực của đội viên Đề án 500
Một số tỉnh có đội viên chưa được bố trí đã có công văn gửi Bộ Nội vụ nêu nguyên nhân chưa thực hiện việc bố trí, sắp xếp, đồng thời đưa ra đề xuất.
Tỉnh Hòa Bình - địa phương có 10 đội viên chưa được sắp xếp - là một trong số các tỉnh đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu, báo cáo Chính phủ xem xét, cho chủ trương để UBND tỉnh công nhận các đội viên Đề án 500 hiện làm hợp đồng tại các xã là công chức cấp xã.
Số đội viên này sau khi được công nhận là công chức cấp xã sẽ tiếp tục được đánh giá, sàng lọc như các cán bộ, công chức cấp huyện, xã hiện nay theo chủ trương tinh gọn bộ máy nói chung.
Trước khi đưa ra đề xuất này, tỉnh Hòa Bình đã căn cứ thực tiễn quá trình thực hiện và quản lý đội viên thuộc Đề án 500.
Cụ thể, ở khâu tuyển dụng đầu vào, các đội viên đều có kết quả học tập đại học khá, giỏi; trải qua 2 vòng đánh giá gồm vòng thẩm định hồ sơ và vòng phỏng vấn.
Hội đồng tuyển chọn và phỏng vấn do UBND tỉnh thành lập. Ban giám khảo là các lãnh đạo sở, ngành cấp tỉnh. Đặc biệt, vòng phỏng vấn có sự giám sát của Tổ giám sát Bộ Nội vụ.
Trong quá trình công tác, hằng năm, UBND cấp xã có đội viên công tác đều đánh giá đội viên thuộc Đề án 500 là những người có năng lực, năng động, nhiệt tình, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao.
Địa phương này cũng đánh giá, hiện nay, độ tuổi của đội viên từ 33-38 tuổi, đã có 10 năm kinh nghiệm công tác tại các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đội viên đang hưởng chế độ chính sách tương tự như công chức cấp xã. Nếu đội viên phải nghỉ việc ở độ tuổi này, sẽ gặp khó khăn trong chuyển đổi nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, nếu nghỉ việc do tinh giản biên chế, đội viên Đề án 500 không thuộc đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nghị định 178 và Nghị định 67.
Được biết, tỉnh Hòa Bình có 32 đội viên thuộc Đề án 500, được phân công công tác tại huyện Kim Bôi (16 người), huyện Đà Bắc (16 người).
Trong quá trình công tác, có 9 đội viên xin nghỉ, chuyển làm công việc khác; 13 đội viên được bố trí, tuyển dụng; còn 10 đội viên vẫn đang ký hợp đồng lao động có thời hạn đến ngày 31/12/2025.
Đội viên thấp thỏm đợi chờ
Chia sẻ với báo VietNamNet, nhiều đội viên chưa được sắp xếp ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… bày tỏ sự lo lắng và “sốt ruột” vì không biết khi nào mình mới chính thức trở thành công chức xã để có cơ hội được đánh giá, sàng lọc công bằng như các công chức khác trước chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước.
Có đội viên đang công tác ở một xã miền núi tỉnh Hà Tĩnh tâm sự, nếu bây giờ bị sa thải, chị sẽ không biết phải làm gì. Bởi địa phương chị sinh sống không có xí nghiệp, nhà máy để đi làm công nhân.
Gia đình cũng không còn ruộng vườn, đất đai để trồng trọt, chăn nuôi. Thậm chí, chị cũng không được hưởng chế độ, chính sách như các công chức khác sau khi nghỉ việc vì tinh giản biên chế, vì đội viên Đề án 500 "không thuộc đối tượng nào" được nhắc đến trong các chính sách.
Chị Trần Thị Thanh là một trong số 55 đội viên Đề án 500 chưa được tuyển dụng, hiện công tác tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 8/2015, chị bắt đầu ký hợp đồng làm việc tại xã Quảng Lưu - nơi cách nhà chồng chị ở huyện Lang Chánh tới hơn 100km. Để thuận tiện cho công việc, chị Thanh chuyển về quê ngoại sinh sống, nơi cách xã chị làm việc 10km. Trong khi đó, chồng chị Thanh vẫn công tác ở một cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Lang Chánh.
Hơn 10 năm nay, hai vợ chồng chị Thanh sống xa nhau, chỉ được gặp nhau vào cuối tuần. Anh chưa có cơ hội xin chuyển công tác về gần quê vợ được, còn chị Thanh cũng không thể xin chuyển công tác sang địa bàn khác vì chị chưa phải là công chức.
Hiện, chị đã sinh 2 con, xác định sẽ gắn bó lâu dài với công việc nên đã xây nhà ở quê ngoại, gần nơi làm việc.
Sau khi Bộ Nội vụ có công văn yêu cầu các tỉnh đề xuất phương án giải quyết cho 55 đội viên Đề án 500, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi UBND huyện Quảng Xương, huyện Hoằng Hóa và UBND TP Sầm Sơn, nơi có 4 đội viên chưa được tuyển dụng, đề nghị xem xét và đề xuất phương án.
Đến nay, UBND huyện Quảng Xương đã có công văn gửi Sở Nội vụ tỉnh đề nghị xét đặc cách cho đội viên vào các vị trí phù hợp với năng lực, trình độ và kinh nghiệm công tác của đội viên. Trong quá trình chờ văn bản hướng dẫn của tỉnh và Trung ương, UBND huyện đề nghị cho địa phương tiếp tục ký hợp đồng với các đội viên này.
Chị Thanh cho biết, hiện chị và các đội viên vẫn đang chờ đợi ý kiến của Sở Nội vụ, Bộ Nội vụ và Chính phủ cho trường hợp của mình.