Nhảy đến nội dung
 

50 năm thống nhất: Chìa khoá cho tuyên bố của Tổng thống Mỹ và đưa Việt Nam hội nhập

Khi Việt Nam bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, một nhiệm vụ mới được đặt ra là phải gỡ bỏ được tình trạng cấm vận, mà một biện pháp hữu hiệu là thông qua con đường ngoại giao.

Qua con đường ngoại giao, chúng ta không chỉ thiết lập được quan hệ với các nước mà còn tạo thuận lợi cho công cuộc hội nhập kinh tế. Theo Bộ Công thương, Việt Nam đã tham gia 20 FTA, trong đó có 16 FTA đã có hiệu lực và đang được thực thi. 

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, một trong những người tham gia vào công tác ngoại giao kinh tế để tìm hiểu thêm về sự tham gia của ngoại giao trong hội nhập kinh tế.

Kết thúc chiến tranh, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với một thách thức là tình trạng bao vây cấm vận khiến kinh tế đình trệ. Ngành ngoại giao đã có vai trò như thế nào trong việc xóa bỏ bao vây, cấm vận?

Nước ta bị bao vây, cấm vận trong thời gian khá dài, không chỉ bởi một nước, và không chỉ về mặt kinh tế. Điều này gây hậu quả vô cùng nặng nề đối với toàn bộ sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung.

Ngay sau thống nhất đất nước, từ 50 năm trước, các vị Lãnh đạo Bộ Ngoại giao lúc bấy giờ đã đề xuất là đã đến lúc không thể “làm ngoại giao chay” được nữa. 

Ngoại giao phải tập trung cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Những nhiệm vụ lớn đầu tiên là tập trung phá bao vây, cấm vận. Tiếp đến là xây dựng các mối quan hệ đối tác, nhất là các đối tác quan trọng, nhiều nước trong số đó vốn là các nước phát triển, chưa có nhiều quan hệ với chúng ta, thậm chí là chịu ảnh hưởng nhiều của Mỹ - một cựu thù của Việt Nam. 

Ngành ngoại giao đã sớm tham mưu cho Đảng, Nhà nước về việc đấu tranh xóa bỏ bao vây, cấm vận cho Việt Nam. Có rất nhiều các hình thức khác nhau trong đấu tranh ngoại giao xóa bỏ bao vây, cấm vận: đấu tranh trên các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc (LHQ), vận động các nước khác ủng hộ chính nghĩa, đòi bỏ cấm vận, bao vây kinh tế Việt Nam, vận động các tổ chức, kể cả phi chính phủ, nhân dân các nước, đặc biệt, thông qua các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ.

Chúng ta đã tiến hành tất cả các biện pháp trên, trong đó các kênh đối ngoại, ngoại giao đều tham gia rất tích cực và hiệu quả.

Đâu là những những quyết sách giúp Việt Nam “mở khóa” tình hình? 

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 (năm 1986) là một Đại hội vô cùng quan trọng, đưa ra quyết định lịch sử là tiến hành đổi mới đất nước toàn diện, trước hết là đổi mới về kinh tế.

Về đối ngoại, Đảng ta đã chủ trương đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, thi hành chính sách hữu nghị, hợp tác, cùng tồn tại hòa bình để phát triển, phù hợp với lợi ích của nhân dân ta và xu thế phát triển chung trên thế giới. 

Ta đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là” tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và ta rất cần môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở theo đường lối đối ngoại mới này, nhiệm vụ hàng đầu của ngoại giao lúc bấy giờ là tìm mọi cách phá được bao vây, cấm vận. 

Sau khi có chủ trương về phá bao vây, cấm vận, ngành ngoại giao được giao nhiệm vụ gì và đã từng bước tiến hành ra sao?

Chúng ta nhận thực rất rõ, để làm được điều này, cần sớm tìm giải pháp thỏa đáng cho “vấn đề Campuchia”, tạo lập môi trường hòa bình với các nước láng giềng, trước hết là Trung Quốc, tiếp đó là các nước ASEAN, cải thiện quan hệ với các nước lớn và quan trọng trên thế giới.

Nên nhớ rằng “vấn đề Campuchia”, bỏ bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ, với ASEAN… có liên quan với nhau.Tất cả những nhiệm vụ này đã được triển khai một cách bài bản, hiệu quả và thành công. 

Năm 1991, quan hệ Việt - Trung đã được bình thường hóa. Ta cũng kiên trì đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thiện chí xử lý vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh, Mỹ xóa bỏ hoàn toàn cấm vận cho Việt Nam năm 1994 và năm 1995 hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. 

Năm 1995, ta cũng đã chính thức trở thành thành viên của ASEAN, ký Hiệp định khung hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu. 

Đơn cử như trong quan hệ với Mỹ, ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố xóa bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam, không ngăn cản các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (World Bank) nối lại các quan hệ với Việt Nam. 

Tháng 7/1995, Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao, sau hai mươi năm kể từ khi chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam kết thúc. 

Chỉ nhìn qua như vậy, đã thấy được một phần vai trò quan trọng của ngoại giao trong cuộc đấu tranh xóa bỏ bao vây, cấm vận đất nước ta. Việc xóa bỏ bao vây, cấm vận mở đường cho sự phát triển bình thường của quan hệ Việt - Mỹ, có lợi cho cả hai bên.

Mỹ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam sau 19 năm. Việc dỡ bỏ cấm vận được thực hiện khi Tổng thống Mỹ ra tuyên bố. Việc đó cho thấy mấy điều:

Một là, bỏ cấm vận không phải là thỏa thuận song phương, mà chính Tổng thống Mỹ phải ra tuyên bố. 

Hai là, Tổng thống Mỹ ra tuyên bố như vậy là kết quả của cuộc đấu tranh, vận động bền bỉ, có sức thuyết phục của ta, cả trên bình diện song phương và đa phương, cả kênh nhà nước và kênh đối ngoại nhân dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Ba là, Mỹ cuối cùng cũng đã nhận ra những lợi ích của chính họ trong bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Họ nhận thức rõ, việc dỡ bỏ cấm vận sẽ khuyến khích chúng ta hợp tác đầy đủ hơn để giải quyết các hậu quả của chiến tranh, nhất là Mỹ cần tìm kiếm đầy đủ nhất mức có thể các quân nhân Mỹ mất tích trong cuộc chiến ở Việt Nam. 

Bên cạnh đó, họ cũng nhìn thấy những lợi ích của việc hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam cũng như những tính toán chiến lược khác của họ. Ngoại giao ta đã biết cách vận dụng tốt nhất những công cụ này, tính đến các tính toán này của họ và những lợi ích chính đáng của ta.

Đây thực sự là những thắng lợi lịch sử của ngoại giao Việt Nam, thắng lợi của đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước. 

Tiếp tục đi xa hơn, chúng ta đã có những bước thay đổi tư duy về đối ngoại, tranh thủ thêm bạn, bớt thù, thực hiện chính sách hội nhập quốc tế, mở đầu bằng các bước đi hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập quốc tế là một đường lối ngoại giao mang tầm chiến lược, mang lại những kết quả to lớn, vị thế quốc tế quan trọng cho đất nước ta như ngày nay.

Ông có thể nói rõ hơn về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?

Kể từ sau khi dỡ bỏ bao vây cấm vận, Việt Nam tiếp tục công tác hội nhập kinh tế một cách nhanh chóng và sâu rộng như gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thậm chí tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP trong khi nhiều nước phát triển vẫn còn e ngại.

Trong bài viết mới đây “Vươn mình trong hội nhập quốc tế”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định: trong 40 năm đổi mới, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng, mang tầm vóc lịch sử. 

Là người ít nhiều tham gia quá trình hội nhập quốc tế của nước ta trong gần 40 năm qua, tôi luôn nghĩ rằng việc quyết định chính sách hội nhập quốc tế của Đảng ta là một lựa chọn mang tính chiến lược. Nếu không hội nhập và vẫn đi theo con đường tách biệt với xung quanh, với thế giới thì đất nước ta không có được những thay đổi to lớn, tích cực như ngày nay, không có vị thế, uy tín quốc tế, tiềm lực như ngày nay.

Trên thực tế, nhận thức của chúng ta về hội nhập cũng thay đổi theo thời gian, cách triển khai hội nhập cũng diễn ra theo từng bước. 

Đại hội lần thứ 9 của Đảng đề ra chủ trương “hội nhập kinh tế quốc tế”. Đến Đại hội 11 chúng ta chuyển tư duy sang “hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực”. Nghị quyết số 22 của BCT năm 2013 cụ thể hóa đường lối hội nhập với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. 

Tiếp theo đó, Đại hội 13 của Đảng phát triển thêm, hoàn thiện thêm đường lối hội nhập thành “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng có hiệu quả”. 

Đã có những khó khăn gì trong việc thực hiện quá trình hội nhập, thưa ông?

Trên chặng đường thực hiện, chúng ta đã gặp không ít những rào cản, khó khăn, có những bước đi chập chững, một phần từ nhận thức. 

Còn nhớ rõ những bước chập chững khi cân nhắc gia nhập ASEAN, chập chững khi cân nhập gia nhập WTO, ký Hiệp định Thương mại với Mỹ, chập chững khi cân nhắc có tham gia đàm phán TPP hay không.

Điều đó cũng có thể hiểu được. Điều rất quan trọng là chúng ta đã vượt qua được những sự chập chững đó, các rào cản đó, đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng và hiệu quả, trở thành một nền kinh tế có độ mở lớn nhất nhì khu vực và gặt hái nhiều thành công.

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, trong quá trình hội nhập, còn nhiều điều chưa được như chúng ta mong đợi, chưa đáp ứng các yêu cầu phát triển; còn nhiều rào cản, nút thắt cần tháo gỡ như Tổng Bí thư Tô Lâm nói. Bên cạnh các cơ hội mở ra, hội nhập cũng mang đến nhiều thách thức.

Tôi rất mừng thấy ngày nay chúng ta đã có tầm nhìn mới sâu sắc về vấn đề hội nhập. Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị ngày 24/1/2025 là một quyết sách mang tính đột phá về hội nhập, định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Đảng xác định chúng ta chuyển từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong bước vào những lĩnh vực mới. Điều đó thể hiện sự tự tin của đất nước ta trong tình hình mới.

Về thành tựu của Việt Nam kể từ khi thống nhất đất nước, ông đánh giá thế nào về vai trò của Ngoại giao kinh tế?

Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao vai trò của Ngoại giao kinh tế (NGKT). Trong Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư  ngày 10/8/2022 đánh giá công tác NGKT đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Đảng ta thậm chí xác định NGKT là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, các đồng chí Lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước ta hiện nay thường xuyên nhắc nhở và đôn đốc việc đẩy mạnh công tác NGKT. Riêng điều đó đã cho thấy vai trò, tầm quan trọng của NGKT.

Với tư cách là người nhiều năm gắn bó trực tiếp với công tác nay, tôi cảm thấy rất vui khi những công việc được khởi sự, được đề xuất và chủ động triển khai bởi Bộ Ngoại giao nay đã trở thành công việc hiển nhiên, không thể thiếu được và lại được đánh giá có tầm quan trọng như vậy.

Ngoại giao cũng góp phần mở cửa nền kinh tế đất nước, tham gia đề xuất và triển khai chính sách hội nhập quốc tế - một hướng đi có ý nghĩa chiến lược và lịch sử, mang đến sự thay đổi to lớn cho đất nước ta như hiện nay. Mở rộng mạnh mẽ kinh tế đối ngoại, tranh thủ ODA, FDI, tranh thủ nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển. Tạo điều kiện cho du lịch phát triển, tranh thủ nguồn kiều hối to lớn góp phần cho sự nghiệp phát triển. Có thể nêu ra nhiều ví dụ cụ thể, nhiều con số rất ấn tượng về ODA, FDI, kiều hối để minh chứng cho điều đó. 

Ngày nay nền kinh tế Việt nam có độ mở rất lớn, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa Việt nam và kinh tế khu vực, thế giới rất lớn. Việc nghiên cứu, thu thập thông tin về thế giới, kinh tế thế giới, môi trường quốc tế và kiến nghị các chính sách, biện pháp thích ứng với tình hình chung đó, điều hành nền kinh tế, xây dựng phương án phát triển đã và đang tiếp tục là một trong những nhiệm vụ và đóng góp của ngoại giao Việt Nam, là một trong những nhiệm vụ của NGKT.

Trong tình hình hiện nay, khi chúng ta đang hướng tới thực hiện hai mục tiêu 100 năm, vươn mình trong kỷ nguyên mới thì vai trò của NGKT càng đặc biệt quan trọng, nhất là khi chúng ta đã coi NGKT là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Với việc thay đổi tư duy, mở rộng nội hàm NGKT, sẽ có Ngoại giao khoa học công nghệ, ngoại giao bán dẫn, ngoại giao nông nghiệp v.v., có các chương trình trọng tâm, trọng điểm, NGKT sẽ góp phần xứng đáng vào việc phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.