Nhảy đến nội dung
 

50 năm non sông liền một dải: Đoàn kết tạo nên những điều vĩ đại mới

Tổng Bí thư đánh giá sự kiện kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất là thời điểm lịch sử để mọi người Việt Nam, mọi tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, kiều bào ở nước ngoài "muôn triệu người như một, đoàn kết, chung tay, hướng về Tổ quốc vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc".

Sáng 30.4, tại TP.HCM, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Đến dự lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Tô Lâm, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lương Cường, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, cùng các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, tướng lĩnh lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, lực lượng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh...

Tham dự lễ kỷ niệm còn có lãnh đạo các nước, chính đảng và bạn bè quốc tế đã hết lòng ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

THẮNG LỢI CỦA KHÁT VỌNG THỐNG NHẤT NON SÔNG

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; đánh dấu sự kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu kiên cường 30 năm giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới; đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tổng Bí thư bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công lao to lớn của các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thế hệ cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, người có công. Bên cạnh đó là sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu, chí nghĩa, chí tình, thủy chung, son sắt của anh em, đồng chí và bạn bè quốc tế, các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Tổng Bí thư nhắc lại các dấu mốc quan trọng từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến nay, trong đó có cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ. Với khát vọng cháy bỏng bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước, với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, cả dân tộc đã chung sức, đồng lòng. Quân dân ta đã giành được thắng lợi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thu non sông về một mối.

"Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của bản lĩnh, khí phách và trí tuệ Việt Nam, của lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông với chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", Tổng Bí thư khẳng định.

Trong các bài học đúc kết từ đại thắng mùa xuân 1975, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh bài học lớn nhất và là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi, đó là giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội.

ĐẤT NƯỚC ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG THÀNH TỰU VĨ ĐẠI

Khái quát lại sau 50 năm đất nước thống nhất và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.

Từ một nước nghèo và lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây, cô lập, đến nay Việt Nam trở thành một quốc gia đang phát triển, có thu nhập tiệm cận trung bình cao, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại. Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, có vai trò chủ động, tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm.

Năm 2024, quy mô nền kinh tế nước ta đứng thứ 32 thế giới và nằm trong top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93% theo chuẩn đa chiều, so với mức hơn 60% vào năm 1986. Tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố; quan hệ đối ngoại được mở rộng; vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được nâng cao.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc; xây dựng các mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ. Năm 2025 cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ.

THỜI ĐIỂM LỊCH SỬ MỚI

Với những thành tựu vĩ đại đạt được sau nửa thế kỷ, Tổng Bí thư nhận định chúng ta đang đứng trước một thời điểm lịch sử mới để đưa đất nước vươn mình cất cánh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng ta cần phải giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên và đạt 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030, đồng thời quyết tâm đạt mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển; điều chỉnh không gian kinh tế; mở rộng không gian phát triển; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ và kết hợp hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, tiếp tục đột phá cơ chế và phương thức tạo ra sức sản xuất mới, lực lượng sản xuất mới, chất lượng mới.

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ trước lúc đi xa: "Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân", Tổng Bí thư nhấn mạnh phải quan tâm chăm lo, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ cách mạng, vùng kháng chiến cũ; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chính sách đối với người có công.

Một số chính sách cụ thể như miễn học phí đối với các cấp học phổ thông; quyết tâm hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước, đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho người dân, để mỗi người dân VN thật sự có cuộc sống an ninh, an toàn, tự do, ấm no, hạnh phúc.

TÔN TRỌNG KHÁC BIỆT, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Khẳng định sức mạnh vĩ đại, không gì sánh nổi của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư lưu ý phải nhất quán quan điểm dân là gốc, con người là trung tâm, là chủ thể, là mục đích của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, cần triển khai mạnh mẽ chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, với tinh thần: "Chúng ta đều mang dòng máu Lạc Hồng, đều là anh em ruột thịt, như cây một cội, như con một nhà". Tất cả người Việt Nam đều là con dân nước Việt, đều có quyền sống, làm việc, quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc và yêu thương trên mảnh đất quê hương, đều có quyền và trách nhiệm góp sức xây dựng Tổ quốc.

"Với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển", Tổng Bí thư kêu gọi, đồng thời nhấn mạnh: "Là một dân tộc đã trải qua muôn vàn đau thương và tổn thất vì chiến tranh trong quá khứ và cũng là dân tộc được thụ hưởng những lợi ích to lớn từ hòa bình, hợp tác hữu nghị trong những thập kỷ vừa qua. Việt Nam tha thiết mong muốn cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một tương lai hòa bình, thịnh vượng, đoàn kết, phát triển. Chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể làm được ngày hôm nay, với mong muốn để lại cho thế hệ mai sau không chỉ một thế giới tốt đẹp hơn, mà cả niềm tin và sự cảm phục về ý thức trách nhiệm và sự thông tuệ của thế hệ hôm nay".

Việt Nam sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới, đẩy mạnh thực hiện phương châm: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tích cực vào các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

LẬP NÊN NHỮNG KỲ TÍCH TRONG KỶ NGUYÊN MỚI

Tổng Bí thư đánh giá sự kiện kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất là thời điểm lịch sử để mọi người Việt Nam, mọi tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, kiều bào ở nước ngoài "muôn triệu người như một, đoàn kết, chung tay, hướng về Tổ quốc vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc". Là một dân tộc chịu nhiều mất mát, đau thương do chiến tranh và thấu hiểu sâu sắc giá trị quý báu của hòa bình, độc lập, tự do, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường và hiện đại hóa quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vì hòa bình và tự vệ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc "từ sớm", "từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy". Cùng với đó là xây dựng và phát huy "thế trận lòng dân", củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu tiếp tục nỗ lực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, toàn diện để Đảng thật sự "là đạo đức, là văn minh", tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tri của dân tộc và thời đại, xứng đáng với niềm tin, sự lựa chọn và sự kỳ vọng của nhân dân. Các công việc trọng tâm gồm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện thành công cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính; từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, kiên quyết đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ quan liêu. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, trí tuệ, tận tâm, tận lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

"Với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, chúng ta đã làm nên đại thắng mùa xuân 1975, nhất định chúng ta sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu vĩ đại hơn nữa, lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc", Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng.