50 năm đất nước thống nhất: Hồi sinh ở vùng đất napalm

Năm 1972, bom napalm trút xuống, một đám trẻ chân đất gào thét tìm đường chạy thoát thân. Khoảnh khắc đau thương ấy được một phóng viên ghi lại và làm ám ảnh cả thế giới. Hơn 50 năm sau, khu vực này đã có nhiều đổi thay...
Những ngày cuối tháng 3.2025, chúng tôi tìm về nơi từng được gọi là "vùng đất napalm" ở TX.Trảng Bàng (Tây Ninh), cách trung tâm TP.HCM khoảng 40 km, cách cửa khẩu Mộc Bài hơn 20 km. Trảng Bàng bây giờ là một trong 3 đô thị phát triển nhất nhì của tỉnh Tây Ninh.
"Ngày nay, nhắc đến Trảng Bàng tụi nhỏ chắc chỉ biết đến bánh tráng phơi sương hay bánh canh, chứ chắc không nghĩ ngay đến vùng đất đầy đau thương do chiến tranh mang lại", một người đàn ông ngoài 70 tuổi ở Trảng Bàng nói khi biết chúng tôi là nhà báo đi tìm nhân chứng của lịch sử bức ảnh "Em bé napalm" từng gây rúng động thế giới về sự tàn khốc của chiến tranh.
Ký ức khó quên
Đến Trảng Bàng, hỏi đường đến tìm bà Hồ Thị Hiền (65 tuổi, TX.Trảng Bàng), một trong những nhân chứng sống trong bức ảnh "Em bé napalm", chúng tôi không ngờ lại đơn giản đến thế. Vừa đến ngã ba Trảng Bàng, hỏi người dân về bà Hiền, hầu như ai cũng biết.
"Nhà cô Hai Tĩnh (tên người dân thường gọi bà Hiền - PV) hả, cứ tới ngã ba Trảng Bàng có quán nước nhỏ đối diện Thánh thất Trảng Bàng, vô đó là gặp liền", một người dân chỉ đường. Quán nước nhỏ ven đường, tấp nập người ra vào, bà Hiền cũng không quá bất ngờ với sự xuất hiện của chúng tôi. Bà niềm nở: "Thỉnh thoảng có nhiều người đến đây để thăm cô cũng như coi và hỏi về bức ảnh treo trên tường lắm".
Tại quán nước, bức ảnh "Em bé napalm" được bà Hiền lồng cẩn thận trong khung kính, treo lên tường hết sức trang trọng. Qua thời gian, khung hình đã úa màu, tấm ảnh cũng cũ đi nhiều, nhưng bà Hiền vẫn xem đó như báu vật. Nhẹ nhàng tháo bức hình xuống, chỉ tay vào bé gái đang dắt theo em trai, phía sau đầy bóng dáng lính Mỹ, bà Hiền nhớ lại: "Đó là buổi trưa 8.6.1972, gia đình cô vừa chạy khỏi Thánh thất Trảng Bàng, thì tàu bay Mỹ ném bom. Cô phải bỏ lại toàn bộ đồ đạc, trong đó có cả ảnh thờ của cha, nắm tay em bỏ chạy. Lúc đó chỉ nghĩ đến sống chết thôi. Mãi sau này, cô mới biết khoảnh khắc đó được phóng viên ảnh người nước ngoài chụp lại và trong một cơ duyên, cô xin được tấm hình, giữ kỹ tới giờ".
Nhà bà Hiền cách quán nước hơn 300 m. "Sau 1975, cô mở quán nước ở đây, giờ cũng không nhớ chính xác đã treo hình này ở đây được bao lâu rồi, chắc cũng hơn 20 năm", bà Hiền nói. Như để không khí nhẹ nhàng hơn, bà vui vẻ khoe, gia đình có 3 người con và 2 đứa cháu nội. "Cháu nội của cô năm nay cũng 18 tuổi rồi. Nhìn tụi nó bây giờ được cơm no áo ấm thấy cũng vui", bà Hiền nói thêm.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi bị chen ngang khi có nhiều khách ra vào quán và gọi nước liên tục. Để không ảnh hưởng nhiều đến công việc của bà, chúng tôi xin phép rời quán. Ở giây phút tạm biệt, bà Hiền tiết lộ: "Cô Kim Phúc (62 tuổi, tên thật Phan Thị Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh do phóng viên Nick Út của hãng thông tấn AP chụp ngày 8.6.1972, hiện sinh sống ở Canada - PV) dự kiến về Trảng Bàng vào dịp 30.4".
Chuyển mình
Đến Trảng Bàng ngày nay, chúng tôi chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của địa phương. Trên QL22, dòng xe container nối đuôi nhau rời KCN Thành Thành Công, kéo dài đến tận cửa khẩu Mộc Bài. Hai bên quốc lộ, những dãy nhà khang trang mọc lên. Dòng người tấp nập, tiếng còi xe inh ỏi của những khu vực gần chợ khiến chúng tôi quên lửng nơi đây từng hứng chịu nhiều bom đạn.
Sau vài giờ ngắm nhìn phố thị sầm uất, hơi nóng từ mặt đường nhựa phả vào người rát da nên chúng tôi dừng xe ở một ngã ba nhỏ tại khu vực trung tâm TX.Trảng Bàng. Tại đây, chúng tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Lợi và được nghe bà kể về sự thay đổi của địa phương kể từ ngày đất nước thống nhất năm 1975.
Ở độ tuổi 70, tóc bà Lợi đã bạc trắng, tay run run, đôi mắt cũng có dấu hiệu mờ đi nhưng trí nhớ của bà hết sức minh mẫn. Bà Lợi nhớ lại: "Những năm tháng Trảng Bàng hứng chịu bom napalm, dọc hai bên QL22 toàn đồng ruộng và cây nhỏ nhỏ trơ trụi. Thuở ấy, bom đạn tàn phá khu vực này hết sức nặng nề, đến những cây cao cho bóng mát cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay".
Đang nhớ lại ký ức đau buồn bởi sự chết chóc của chiến tranh, bỗng bà Lợi cười nói: "Nhớ những năm 1972, thấy nhà người ta có bò, cô cũng đòi mẹ mua về nuôi. Ngay ngày đầu đi thả bò, phải vứt luôn cả bò để chạy bom".
Mãi đến những năm sau 1995, ven QL22 mới bắt đầu có nhiều nhà mọc lên. Tuy vậy, khi ấy việc đi lại còn rất khó khăn. Gia đình nào giàu lắm mới mua được chiếc xe máy, còn lại toàn đi bộ hoặc xe đạp. Nhìn về hướng siêu thị xa xa, nơi cả trăm người đang tấp nập ra vào, bà Lợi nói: "Thời của cô làm gì có siêu thị như bây giờ, hồi đó có cái chợ mà cũng chỉ lác đác mấy người mua bán. Mấy năm nay ngước lên thấy nhà cao tầng chớ ngày trước, ngước lên chỉ thấy máy bay hoặc nhánh cây dúi, cây gòn mà thôi".
Cũng như những người đã chứng kiến sự thay đổi của Trảng Bàng, bà Lợi cười mãn nguyện khi kể về sự tiện lợi khi quê hương phát triển; chẳng hạn như khi có ai trong nhà bị bệnh thì bắt taxi chạy cái vèo là tới bệnh viện, chứ không phải cõng nhau chạy bộ như trước…
Kết thúc cuộc trò chuyện với bà Lợi đã là cuối giờ chiều, ánh mặt trời dần ngả vàng rồi ửng đỏ. Trên đường rời Trảng Bàng, chạy ngang quầy bánh tráng phơi sương tấp nập học sinh ra vào gần một trường THCS, trong đầu tôi lại văng vẳng những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi/Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể/Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn…".