Nhảy đến nội dung
 

5 tác nhân làm tăng nguy cơ Parkinson - Báo VnExpress

Bệnh Parkinson là rối loạn thoái hóa thần kinh tiến triển ảnh hưởng đến hệ thần kinh và các chức năng cơ thể được kiểm soát bởi các tín hiệu thần kinh. Bệnh xảy ra khi các tế bào thần kinh trong não dần bị phá vỡ hoặc chết, dẫn đến thiếu hụt dopamine - chất dẫn truyền thần kinh quan trọng cần thiết để điều chỉnh chuyển động của cơ thể. Người bệnh gặp khó khăn khi đi lại, chuyển động chậm, run ở tay, cánh tay hoặc chân, cứng cơ khó vận động, rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm hoặc lo âu, mất trí nhớ, rối loạn giấc ngủ.

Một số yếu tố khiến nồng độ dopamine giảm bao gồm:

Gene: Nguyên nhân chính xác của bệnh Parkinson vẫn chưa được biết rõ, nhưng những người có tiền sử gia đình mắc bệnh này có nguy cơ phát triển bệnh cao hơn.

Các tác nhân kích hoạt môi trường: Thường xuyên tiếp xúc với các chất độc như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và hóa chất công nghiệp gây ra stress oxy hóa, viêm và rối loạn chức năng ty thể trong não, tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

Mắc chứng mất trí nhớ do thể Lewy: Chứng mất trí nhớ do thể Lewy trong não gây mất tế bào thần kinh, dẫn đến những thay đổi về vận động, suy nghĩ, hành vi và tâm trạng. Người mắc chứng này có nguy cơ cao sa sút trí tuệ.

Các yếu tố tự miễn dịch: Bệnh tự miễn xảy ra do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Parkinson và các rối loạn tự miễn dịch tiềm ẩn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Người mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, viêm gan tự miễn có khả năng cao bị bệnh Parkinson.

Tuổi tác: Tuổi cao không gây ra các vấn đề sa sút trí tuệ nhưng là yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh Parkinson. Càng lớn tuổi thì lượng dopamine trong cơ thể càng suy giảm nhanh chóng hơn.

Chấn thương sọ não: Tình trạng này cũng có thể tăng khả năng gây viêm và tổn thương tế bào thần kinh, tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thay đổi lối sống như tập thể dục thường xuyên để cải thiện sự cân bằng, tính linh hoạt và khả năng vận động tổng thể. Người bệnh cần chế độ ăn uống cân bằng, giàu trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt để cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, hỗ trợ sức khỏe. Người bệnh cũng được khuyến nghị kiểm soát mức độ căng thẳng, ngủ đủ giấc.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kiểm soát các triệu chứng vận động liên quan đến bệnh Parkinson, làm giảm tình trạng cứng cơ và run. Nhiều liệu pháp ngôn ngữ, vật lý trị liệu cũng góp phần giúp người bệnh giữ thăng bằng, cải thiện khả năng vận động và giao tiếp.

Anh Chi (Theo Healthshots)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp