5 hành vi của người vợ vô tình phá hỏng hôn nhân

Mitzi Bockmann, huấn luyện viên cuộc sống người Mỹ, chỉ ra 5 hành vi phổ biến nhất của những người vợ, tưởng chừng vô hại nhưng có sức phá hủy hôn nhân lớn.
Không ghi nhận chồng
Nhiều người vợ sau khi có con đã vô thức chuyển toàn bộ sự chú ý sang con cái, xem chồng là "hậu phương" hoặc "trợ lý hỗ trợ" hơn là người bạn đời cần được quan tâm.
Một khách hàng của bà chia sẻ rằng sau khi sinh con, mọi kế hoạch, lịch trình, cảm xúc trong nhà đều xoay quanh bọn trẻ. Người chồng dần trở thành người đưa đón, huấn luyện thể thao, tổ chức sinh nhật... nhưng hiếm khi được hỏi han hay cảm ơn.
Bockmann nhấn mạnh, một người chồng luôn "có mặt khi cần" không đồng nghĩa họ không cần được nhìn nhận, đánh giá và trân trọng. Khi một người cảm thấy mình vô hình trong chính gia đình, họ sẽ dễ bị cuốn theo sự quan tâm từ người khác, người đề cao họ.
Khinh thường
"Sự khinh miệt là chất độc thầm lặng trong hôn nhân", Bockmann nói. Nghiên cứu của John Gottman, nhà tâm lý học nổi tiếng ở Mỹ cũng khẳng định khinh thường là dấu hiệu nguy hiểm nhất báo trước sự đổ vỡ.
Sự khinh thường thể hiện qua lời nói mỉa mai, châm biếm, thái độ thiếu tôn trọng trong các cuộc tranh luận hoặc phủ nhận giá trị của chồng.
Ví dụ, chê bai anh ấy làm sai việc nhà, coi thường ước mơ hoặc sự nghiệp của anh ấy, nói "anh chẳng bao giờ làm được gì ra hồn".
"Không ai muốn sống trong một mối quan hệ mà mình cảm thấy thấp kém", Bockmann nói. "Khi người khác đến và dành cho họ sự tôn trọng tối thiểu, họ sẽ bị hấp dẫn một cách tự nhiên, bởi điều đó quá xa lạ trong chính nhà họ"
Dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn chồng
Bockmann nhận thấy nhiều phụ nữ, sau khi bước vào vai trò làm mẹ, thường tìm lại sự cân bằng cảm xúc qua các mối quan hệ bạn bè. Họ tham gia nhóm đi bộ, cà phê sáng, xem phim, trò chuyện, những điều từng làm với chồng, giờ được chuyển sang người khác.
Ban đầu, đây là cách để giải tỏa áp lực. Nhưng theo thời gian, việc không còn chia sẻ những trải nghiệm vui vẻ, không còn lên kế hoạch chung, khiến mối quan hệ vợ chồng trở nên đơn điệu, thiếu gắn kết.
"Không có điều gì kéo hai người lại gần nhau bằng những trải nghiệm tích cực", bà nói. "Khi điều đó biến mất, khoảng trống sẽ xuất hiện và rất dễ được lấp đầy bởi người thứ ba".
Tạo khoảng cách về cảm xúc lẫn thời gian
Trong quá trình tư vấn, Bockmann gặp nhiều cặp đôi từng sống xa nhau do công việc, con cái hoặc lý do cá nhân. Ban đầu là vài tuần, rồi vài tháng, dần dần trở thành thói quen sống tách rời, cả về thể chất lẫn cảm xúc.
Một người vợ từng chia sẻ sau một thời gian sống riêng vì con học ở trường khác, cô bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn khi không có chồng bên cạnh.
Mọi việc được sắp xếp theo cách của riêng mình, không cần thỏa hiệp hay chờ đợi. Cô không biết rằng sự "tiện lợi" ấy đang bào mòn mối liên hệ hôn nhân từng gắn bó.
"Cô đơn là mảnh đất màu mỡ cho sự kết nối ngoài luồng nảy sinh", Bockmann cảnh báo. "Khi người khác đến, sẵn sàng hiện diện, lắng nghe và đồng hành, người chồng sẽ dễ xiêu lòng, không vì ham muốn, mà vì sự thiếu thốn tình cảm kéo dài".
Không chia sẻ cảm xúc với chồng
Theo Bockmann, đây là một trong những sai lầm phổ biến nhất. Nhiều người vợ cho rằng mình cần phải mạnh mẽ, tự xoay xở, không muốn "gây thêm rắc rối" hoặc sợ làm tổn thương chồng bằng cảm xúc tiêu cực.
Kết quả là họ giấu đi sự buồn bã, cô đơn, nỗi nhớ và cả nỗi thất vọng trong hôn nhân. Những cảm xúc này được trút ra với bạn bè, trên mạng xã hội, trong các nhóm kín, nhưng người chồng không hay biết.
"Khi không được chia sẻ, một người sẽ dần bị loại khỏi thế giới nội tâm của bạn đời", Bockmann nói. "Và rồi, một ai đó khác đến, sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng kết nối, sẽ trở thành người bạn đời mới trên phương diện cảm xúc".
Mitzi Bockmann không khuyến khích đổ lỗi hay tự trách. Theo bà, hôn nhân là một hệ thống phức tạp, luôn cần sự duy trì từ cả hai phía. Nhưng hiểu được những hành vi vô tình gây tổn thương sẽ giúp người trong cuộc điều chỉnh sớm, trước khi mọi thứ đi quá xa.
Nhật Minh (Theo Yourtango)