33 tuổi, hai con nhỏ, mất ngủ vì không kiếm ra tiền: "Ở nhà stress lắm, 1-2 ngày mới có 1 đơn hàng"

Cảm giác mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ khi không có thu nhập là điều cô gái này đang trải qua.
Mới đây trong một hội nhóm chia sẻ về tài chính cá nhân, bài viết ngắn nhưng đầy tâm tư của một người phụ nữ 33 tuổi đã nhanh chóng thu hút hàng trăm lượt bình luận. Cô kể về tình cảnh của mình, từ một người có công việc ổn định, giờ trở thành bà mẹ hai con quanh quẩn trong bốn bức tường vì "không thể đi làm".
"Không làm ra tiền áp lực thực sự. Dạo này hay mất ngủ quá, mình muốn xin trải lòng một chút..."
Cô chia sẻ, trước đây sống ở khu vực ngoại thành, làm văn phòng gần nhà, lương mỗi tháng 12 triệu đủ để chủ động chi tiêu cá nhân, phụ giúp gia đình. Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi từ đầu năm, khi chồng cô - người đang làm công việc có thu nhập khoảng 60 triệu/tháng quyết định chuyển công ty. Công ty mới nằm cách nhà tới 25km, xa hơn nhiều so với chỗ cũ. Để thuận tiện cho chồng phát triển sự nghiệp, hai vợ chồng quyết định bán nhà, cộng thêm khoản tiết kiệm để mua một căn chung cư gần trung tâm hơn, đổi lại là khoản nợ 1,5 tỷ đồng.
"Chuyển nhà đồng nghĩa với mình phải nghỉ việc. Sức khoẻ mình yếu, không đi xa được. Nhưng chuyển về trung tâm thực sự là một cú sốc từ giá thực phẩm, dịch vụ cho đến chi phí sinh hoạt, mọi thứ đều tăng lên rõ rệt."
Không muốn "ăn bám", cô tập tành bán hàng online trong khu dân cư mới. Nhưng khác với nơi cũ, người dân ở đây có thói quen mua hàng quen, khách mới gần như không mấy mặn mà. Dù cố gắng duy trì 3 tháng trời, cô vẫn chỉ lác đác vài đơn một tuần, có ngày không có đơn nào.
Mọi gánh nặng dồn lên chồng. Tệ hơn, thu nhập của anh gần đây bị giảm còn 50 triệu/tháng. Gia đình bốn người với hai bé mầm non tiêu trung bình 30-35 triệu đồng/tháng - tức là sau chi tiêu thiết yếu, không còn lại bao nhiêu để trả nợ.
"Mình định đi xin việc lại, nhưng chồng gàn. Một phần vì anh thương vợ sức khoẻ yếu, phần khác vì 'tuổi này ai còn tuyển'. Anh bảo đừng lo, cứ để anh cày. Nhưng loanh quanh ở nhà, 1-2 ngày mới có một đơn, mình stress vô cùng. Mất ngủ, lo lắng, cảm giác như đang tụt lại phía sau tất cả mọi người…"
Trong phần bình luận, không ít người bày tỏ sự đồng cảm vì họ cũng từng hoặc đang trải qua tình trạng tương tự. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản biện thẳng thắn:
- "25km vẫn có thể đi được mà, hoặc mua xe ô tô cũ để giải quyết vấn đề đi lại."
- "Đi làm thôi bạn ạ. Không giải quyết được tiền bạc thì ít nhất cũng giúp đầu óc thư giãn hơn."
- "Giờ còn trẻ già gì nữa bạn. Người 50-60 tuổi còn cố xin việc. Ở nhà không năng động, suy nghĩ tiêu cực lắm."
- "Em thấy cuộc sống của chị còn dễ thở hơn rất nhiều người. Giờ chị chỉ cần tìm việc là okie."
Một người thậm chí chia sẻ câu chuyện cá nhân để động viên:
"Vợ chồng em 29 tuổi, trước kinh doanh online mỗi tháng dư 100 triệu, mà đùng một cái bị khoá shop. Giờ mỗi tháng chỉ còn 20 triệu, nợ vẫn còn 3 tỷ mà vẫn bảo ban nhau sống. Ngã đâu đứng lên ở đó chị ạ."
Làm gì khi bạn không kiếm được tiền?
Không có thu nhập không chỉ khiến tài chính bị thắt chặt, nó còn tạo ra cảm giác vô dụng, tự ti và cô lập. Vậy, nếu bạn đang trong tình huống như người phụ nữ trên hoặc gần tương tự, đâu là hướng ra?
1. Chấp nhận cảm xúc tiêu cực
Cảm giác mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ khi không có thu nhập là điều hoàn toàn bình thường. Việc đầu tiên bạn cần làm là cho phép bản thân cảm những cảm xúc đó nhưng đừng để chúng dắt tay bạn vào vòng luẩn quẩn.
Nói chuyện với người thân, hoặc tìm đến những cộng đồng chia sẻ sẽ giúp bạn giải toả phần nào áp lực. Hãy nhớ rằng, cảm xúc tiêu cực không đồng nghĩa với thất bại - chúng chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn đang cần thay đổi điều gì đó.
2. Tạm gác chuyện tiền bạc
Khi bạn không có thu nhập, đừng nghĩ quá lớn về chuyện "phải kiếm được bao nhiêu". Hãy bắt đầu bằng câu hỏi: "Hôm nay mình có thể làm gì hữu ích?"
Có thể là một công việc bán thời gian gần nhà. Có thể là nhận đơn lẻ theo giờ. Có thể là học thêm một kỹ năng nhỏ trên mạng. Khi đầu óc bạn bận rộn vì đang làm , cảm giác tự ti và vô dụng sẽ giảm đi đáng kể.
Hơn nữa, các công việc nhỏ có thể mở ra cơ hội lớn hơn như việc có thêm mối quan hệ, kỹ năng mới, hoặc đơn giản là cải thiện tinh thần của bạn.
3. Đừng đánh giá thấp giá trị công việc "ít tiền"
Rất nhiều người từng rơi vào tâm lý: "Công việc này kiếm ít quá, làm không đáng." Nhưng sự thật là, giá trị đầu tiên của việc có việc làm không nằm ở tiền, mà là giúp bạn duy trì nhịp sống tích cực và sự tự tin.
Thêm vào đó, rất nhiều công việc "ít tiền" hôm nay, nếu làm đều, làm tốt có thể trở thành công việc "đủ sống" ngày mai. Người kinh doanh online từ số 0, người làm freelancer không bằng cấp, người chăm trẻ tại nhà… họ không giàu trong một ngày. Nhưng họ bắt đầu từ việc không ngồi yên.
4. Khai thác lại các tài nguyên xung quanh
Ở nhà không có nghĩa là không thể tạo ra giá trị. Hãy nhìn lại: bạn có thể nấu ăn ngon, dạy kèm, làm đồ handmade, viết lách, chụp ảnh không? Bạn có thể hỏi bạn bè, hàng xóm xem họ đang cần gì không?
Thay vì cố gắng chen vào một thị trường rộng, hãy phục vụ tốt những người quen quanh mình. Bán đồ ăn cho vài gia đình trong chung cư, trông trẻ giúp người quen vài tiếng, viết nội dung cho người kinh doanh online… Từng đó là đủ để bạn bắt đầu rồi.
5. Quan trọng hơn cả: Đừng để mất bản thân trong vai trò "người không làm ra tiền"
Tiền là quan trọng, nhưng giá trị con người không chỉ nằm ở việc bạn kiếm được bao nhiêu. Làm mẹ, làm vợ, làm người chăm sóc - đều là những vai trò cần sức lực, kiên nhẫn và tình yêu. Khi không có thu nhập, hãy cố gắng giữ vững lòng tự trọng, sự chủ động và niềm tin rằng: bạn vẫn đang cố gắng, bạn vẫn xứng đáng.