30.9 là thời hạn cuối cùng 'khai tử' bệnh án giấy

Ngày 30.9 là hạn cuối thực hiện bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy, nhưng hiện chỉ có 270 bệnh viện công bố đã hoàn thành cơ bản, chiếm tỷ lệ rất thấp trong các bệnh viện phải triển khai trên cả nước.
Bệnh viện tự công bố bệnh án điện tử
Hiện mới có 270 bệnh viện công bố triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (gọi tắt là bệnh án điện tử) thay thế bệnh án giấy, trong số khoảng 1.400 bệnh viện trên cả nước. Nguyên nhân chính của việc chậm triển khai do nhiều cơ sở y tế vẫn gặp khó khăn về kinh phí, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực.
Thông tin trên được đại diện Bộ Y tế cho biết tại hội thảo về giải pháp triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, do Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức ngày 17.7.
Theo Trung tâm Thông tin y tế quốc gia, hồ sơ bệnh án điện tử là một trong những trụ cột quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tối ưu hóa công tác quản lý, lưu trữ, chia sẻ thông tin y tế, đồng thời bảo đảm tính chính xác, liên thông và bảo mật của dữ liệu sức khỏe người dân.
Tại hội thảo, ông Đỗ Trường Duy, Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử để các địa phương có căn cứ giao kinh phí cho các cơ sở y tế triển khai thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên toàn quốc hoàn thành triển khai bệnh án điện tử, hạn cuối là 30.9. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị ban hành nghị quyết của tỉnh ủy/thành ủy về việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, nhằm huy động sự tham gia của hệ thống chính trị triển khai thực hiện.
"Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không thể chậm trễ hơn nữa", ông Duy nói và cho biết theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, bệnh án điện tử do các bệnh viện tự triển khai theo hướng dẫn kỹ thuật triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, và tự công bố chứ không phải chờ đợi Bộ Y tế thẩm định, công bố. Thực tế đã có 270 bệnh viện triển khai thành công. Do đó, việc triển khai phụ thuộc quyết tâm của lãnh đạo các bệnh viện.
Tránh lãng phí khi triển khai
Theo phản ánh từ các đơn vị, nguyên nhân chính của việc chậm triển khai bệnh án điện tử do nhiều cơ sở y tế vẫn gặp khó khăn về kinh phí, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin y tế do chi phí công nghệ thông tin chưa được có cấu thành trong giá dịch vụ y tế.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về tài chính cho bệnh viện, ông Phạm Ngọc Đức, Giám đốc triển khai các chương trình 06 (Mobifone global, Bộ Công an), cho rằng các đơn vị có thể thuê lưu trữ dữ liệu đám mây hoặc thuê hạ tầng tại chỗ. Đồng thời, khi triển khai bệnh án điện tử các bệnh viện cần được “ra đề bài” cụ thể về nhu cầu.
"Hiện, chi phí triển khai bệnh án điện tử có nhiều mức khác nhau, lên đến cả tỉ đồng. Nếu không tìm hiểu kỹ, có thể lãng phí ngân sách mà không sử dụng hết các tính năng tiêu chí. Nhưng nếu đầu tư hoặc thuê với chi phí thấp, cần yêu cầu nhà cung cấp cần thuyết minh lập luận chặt chẽ, tránh trường hợp chi phí thấp nhưng có khi không đáp ứng đúng yêu cầu của bệnh viện", ông Đức lưu ý.
Theo thông tin từ một số bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử, chi phí tiết kiệm được từ việc không phải mua film in kết quả chẩn đoán hình ảnh có thể lên đến cả trăm tỉ đồng/năm. Ngoài ra, so với bệnh án giấy, bệnh án điện tử giúp cắt giảm chi phí nhờ tiết kiệm số lượng lớn văn phòng phẩm...
Đặc biệt, bệnh án điện tử giúp minh bạch toàn diện việc chấp hành các quy định về chuyên môn (chẩn đoán, kê đơn, chỉ định xét nghiệm trong suốt quá trình tiếp nhận, điều trị).