300 ngày chuyển quân lịch sử theo tiếng gọi của Bác Hồ

(Dân trí) - Theo tiếng gọi của Bác Hồ, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam đã tập kết ra Bắc. Trong số đó, rất nhiều học sinh đã trở thành "hạt giống đỏ" trở về xây dựng miền Nam.
Tròn 70 năm trước, Cảng Quy Nhơn (Bình Định) được chọn là địa điểm để đưa cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Liên khu 5 tập kết ra Bắc, sau Hiệp định Geneve năm 1954 được ký kết. "Chiến dịch" kéo dài 300 ngày, từ 20/7/1954 đến 16/5/1955.
Theo thống kê, giai đoạn 1954-1968, có hàng vạn học sinh là con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam được đưa ra miền Bắc. Nhờ sự quan tâm chăm lo, dạy dỗ, các học sinh ngày đó đều đã trưởng thành, nhiều người trở thành những "hạt giống đỏ", góp phần xây dựng miền Nam, tái thiết đất nước.
Ơn Đảng, Bác Hồ và đồng bào miền Bắc
Từng trong dòng người lên tàu vượt biển ra Bắc tháng 10/1954, ông Nguyễn Tấn Hiểu (79 tuổi, quê ở phường Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) sau này trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Hiện nay ông sinh sống tại thành phố Quy Nhơn.
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Tấn Hiểu kể, khi ấy ông mới 9 tuổi, học sinh lớp 1 trường làng nên chưa hiểu hết được việc tập kết ra Bắc. Ngày lên đường, cha mẹ chuẩn bị cho ông một bộ quần áo lành lặn, ít gạo, lương khô và ống tre đựng nước. Ông Hiểu cùng nhiều học sinh tập kết tại Quy Nhơn, sau đó lên tàu ra Bắc.
"Dù phải sống xa gia đình, quê hương nhưng các thế hệ học sinh miền Nam luôn được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân miền Bắc chăm lo ăn, ở, học tập tốt nhất. Chúng tôi cũng được thầy, cô giáo giỏi nhất, cán bộ tận tụy nhất để nuôi dạy nên người", ông Hiểu chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Phước (80 tuổi quê ở huyện Hoài Ân, Bình Định, hiện sống tại thành phố Quy Nhơn), nguyên cán bộ Công an tỉnh Bình Định, được tập kết ra Hải Phòng năm 1954, khi mới hơn 8 tuổi.
Năm 1966, sau khi hoàn thành xong chương trình phổ thông, bà Phước được qua Liên Xô học chuyên ngành hóa tổng hợp. Năm 1972, bà trở về cống hiến cho quê hương cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1993.
"Ngày ấy, đồng bào miền Bắc khổ lắm nhưng tình cảm thật tuyệt vời. Học sinh miền Nam được nhà nước chăm lo, ăn uống đầy đủ. Còn đồng bào miền Bắc sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, coi chúng tôi như con. Tình cảm thật dạt dào, Bắc - Nam cùng một nhà. Chúng tôi rất biết ơn, tình cảm ấy, công ơn trời biển đó toàn bộ học sinh miền Nam không bao giờ quên", bà Phước tâm sự.
Bà Phước bày tỏ, thời gian học tập ở miền Bắc, bà cũng như tất cả anh chị em học sinh miền Nam đều mong ngóng được gặp Bác Hồ.
"Chúng tôi may mắn được Bác Hồ đến trường nói chuyện. Cảm xúc khó tả lắm. Ở thế hệ chúng tôi ai cũng mong một lần được gặp Bác. Chúng tôi sống xa nhà nhưng mong gặp được Bác Hồ còn hơn cả cha mẹ", bà Phước chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Trợ (80 tuổi, quê ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, hiện sinh sống ở tỉnh Hải Dương) kể, năm ra Bắc, ông mới 12 tuổi, được cha mẹ dẫn xuống Cảng Quy Nhơn, sau đó lên tàu đến Cửa Hội (Nghệ An) rồi ra Hà Nội.
"Ngày ấy, hai miền Nam - Bắc đều khó khăn cả, nhưng học sinh miền Nam được ưu tiên ăn no, học hành đầy đủ. Chúng tôi được học tập bài bản, thầy cô giáo rất quý chúng tôi", ông Trợ nhớ lại.
Hình ảnh Bác Hồ trong ký ức học sinh miền Nam
Trong hành trình về nguồn, ông Phan Đức Luận, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Kon Tum (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), không khỏi xúc động khi gặp lại nhiều bạn bè lứa học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sau 70 năm.
Ông Luận kể, những năm tháng trên đất Bắc, ông được các thầy cô giáo, bảo mẫu chăm sóc, dạy dỗ tận tình như con ruột. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp THPT, dù có tiêu chuẩn học đại học ở nước ngoài như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên nhưng ông cùng nhiều học sinh miền Nam xung phong đi bộ đội.
"Trong ký ức không chỉ học sinh miền Nam mà cả miền Bắc, Bác Hồ như vị cha già của dân tộc. Khi học ở Hải Phòng chúng tôi rất bất ngờ vì có lần được Bác Hồ về thăm, nói chuyện. Cuộc nói chuyện trong thời gian ngắn, nhưng sau này lớn lên tôi mới thấy Bác Hồ thật vĩ đại", ông Luận kể.
"Trong lần hiếm hoi được gặp Bác Hồ, tôi nhớ mãi lời Bác dặn: "Các cháu phải xa quê hương sẽ rất nhớ quê hương, nhớ cha mẹ nhưng điều đó là động lực. Bác mong các cháu cố gắng học tập, rèn luyện thật giỏi để sau này trở về xây dựng quê hương, xứng đáng với mong đợi của quê hương, cha mẹ", ông Luận nhớ lại.
Trở lại miền Nam, ông Luận kinh qua nhiều vị trí và giữ chức Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Kon Tum trước khi về hưu.
Đặc biệt, trong sự nghiệp sáng tác thơ, nhạc với gần 100 tác phẩm nhưng với sáng tác: "Nguyện theo Người Hồ Chí Minh" được ông Luận rất trân quý. Ông xem đó là đứa con tinh thần được ông ấp ủ rất lâu, là tấm lòng ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
"Tác phẩm "Nguyện theo Người Hồ Chí Minh" như một tiếng lòng mà bản thân tôi cũng mong muốn nói thay cho nhiều người. Nguyện theo Người, nguyện theo tư tưởng không có gì quý hơn độc lập, tự do của Bác Hồ. Tôi coi tác phẩm này là một kỷ niệm rất sâu sắc trong quá trình hoạt động về văn hóa, nghệ thuật của mình", ông Luận chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Hiểu, cho hay, phần lớn học sinh miền Nam tập kết đều xuất thân từ gia đình nghèo khó, học vấn còn hạn chế. Nhờ Đảng, Bác Hồ rất quan tâm, các học sinh sau khi được ra Bắc học tập hầu hết đều tốt nghiệp đại học, nhiều người sau này trở thành nhà khoa học đầu ngành của đất nước.
Riêng tỉnh Bình Định, có gần 300 tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư trưởng thành từ lớp học sinh miền Nam được đào tạo ở miền Bắc.
"Trường nội trú học sinh miền Nam trên đất Bắc là mô hình giáo dục đặc biệt, có thể nói là độc đáo có 1 không 2 trên thế giới. Chúng tôi được học hành bài bản, không ngừng quyết tâm rèn luyện để sau đó trở thành những người góp phần vào sự nghiệp giải phóng, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước", ông Hiểu nhấn mạnh.
Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Phó Trưởng Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương, cho biết, ngay từ lúc bước chân lên đất Bắc, bộ đội, cán bộ và học sinh miền Nam đã vô cùng xúc động trước sự đón tiếp nồng nhiệt, ấm áp của đồng bào miền Bắc.
Trong năm đầu tiên, học sinh miền Nam được phân bố về ở nhà dân, 3-4 cháu trong một gia đình và được bà con chăm lo chu đáo. Những ngày mùa đông gió lạnh, biết các cháu không quen chịu rét nên bà con đốt lửa sưởi ấm, sáng dậy được ăn khoai, sắn nóng hổi. Mặc dù lúc đó đồng bào miền Bắc còn nghèo khó, thiếu ăn, thiếu mặc sau những năm tháng kháng chiến gian khổ.
"Có thể khẳng định rằng, cuộc dịch chuyển thiếu nhi, học sinh miền Nam quy mô nhất lịch sử được đánh giá là thành công trên cả 3 phương diện, đó là rèn luyện con người, mô hình giáo dục và chiến lược đào tạo dài hạn", Tiến sĩ Trực nhấn mạnh.
Từ tháng 7/1954 đến đầu năm 1975, hàng chục nghìn thiếu nhi, học sinh từ Quảng Trị đến Cà Mau và vùng Tây Nguyên, bằng nhiều con đường khác nhau được đưa ra miền Bắc, trong đó gần 20.000 người đi bằng đường biển từ các Cảng Quy Nhơn, Vũng Tàu, Sài Gòn, Đồng Tháp và Cà Mau.
Riêng tại Cảng Quy Nhơn, hàng nghìn thiếu nhi, học sinh là con bộ đội và cán bộ kháng chiến Liên khu 5, vùng Tây Nguyên được Đảng bộ và nhân dân Bình Định tổ chức đi tàu biển ra miền Bắc, với chuyến tàu thủy cuối cùng vào ngày 16/5/1955, kết thúc 300 ngày chuyển quân tập kết.
Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 70 năm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trao bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử Cảng Quy Nhơn - Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc (1954-1955), thuộc phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định.