3 loại nước là “vua rút cạn canxi” nhưng nhiều người vẫn mê: Uống càng nhiều xương càng giòn, dễ gãy

Những thức uống này sẽ làm cạn kiệt canxi trong cơ thể bạn nếu dung nạp quá nhiều.
Chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, thế nhưng số người bị loãng xương cũng tăng lên. Theo tạp chí y khoa nổi tiếng của Trung Quốc, căn bệnh này không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn kéo theo nhiều vướng bận về tinh thần cho người bệnh. Dù vậy, việc phát hiện loãng xương sớm là điều không dễ dàng, do đó phòng ngừa vẫn là cách an toàn và hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngoài yếu tố tuổi tác, thói quen sinh hoạt và ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra loãng xương. Dưới đây là 3 loại nước quen thuộc nhưng lại có khả năng “bòn rút” canxi trong cơ thể nhưng nhiều người chưa nhận ra:
1. Nước ngọt có ga
Bác sĩ nội tiết Felicia Cosma, Giáo sư y học lâm sàng tại Đại học Columbia ở New York, đánh giá nước ngọt là một trong những tác nhân đẩy nhanh quá trình mất canxi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe xương. Theo bà, việc uống nhiều nước ngọt có ga hàng tuần có liên quan đến việc giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương. Không chỉ vậy, loại nước này còn làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy nước ngọt có ga chứa axit photphoric, làm mất cân bằng tỉ lệ canxi, photpho trong cơ thể. Để cân bằng lại, cơ thể buộc phải rút canxi từ xương, từ đó gây thiếu hụt canxi. Thêm vào đó, đường tinh luyện trong nước ngọt cũng ức chế khả năng hấp thụ canxi tại ruột non.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2014 cũng cho thấy những người tham gia càng uống nhiều nước ngọt có ga thì nguy cơ bị gãy xương hông lại càng cao. Vì vậy, nếu muốn bảo vệ xương khớp, hãy hạn chế uống nước ngọt, đặc biệt là các loại có gas.
2. Rượu
Việc tiêu thụ rượu quá mức có thể làm giảm mật độ xương, ức chế hình thành xương mới và tăng nguy cơ gãy xương, đồng thời làm chậm quá trình hồi phục xương sau khi bị gãy. Để duy trì hệ xương khỏe mạnh, tốt nhất bạn không nên tiêu thụ loại đồ uống này. Chưa hết, rượu cũng gây hại đến nhiều cơ quan khác, vì thế tốt nhất chúng ta nên tránh xa thức uống này.
3. Cà phê
Cà phê là thức uống quen thuộc nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi. Caffeine trong cà phê không chỉ làm giảm hấp thu canxi tại ruột mà còn làm tăng quá trình bài tiết canxi, góp phần gây loãng xương.
Ngoài ra, khi dùng quá nhiều caffeine, cơ bắp có thể bị co giật. Một số người cũng có thể bị đau nhức cơ nếu đang trong giai đoạn cai chất này. Do đó, bạn chỉ nên uống với liều lượng hợp lý, khoảng 2–3 ly/ngày để đảm bảo sức khỏe xương khớp.
3 điều quan trọng cần ghi nhớ để phòng tránh bệnh loãng xương
1. Kiểm tra mật độ xương thường xuyên
Tuổi tác càng cao, xương càng có nhiều biến đổi. Việc kiểm tra mật độ xương định kỳ là biện pháp quan trọng giúp phát hiện sớm nguy cơ loãng xương và chủ động điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp. Đây là một trong những hạng mục khám phổ biến cho người cao tuổi.
2. Bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ
Từ sau 30 tuổi, mật độ xương bắt đầu suy giảm do hoạt động của các tế bào xương yếu đi. Nếu không hình thành thói quen ăn uống tốt, nguy cơ loãng xương sẽ tăng cao – đặc biệt ở người trung niên và cao tuổi.
Thực phẩm là nguồn bổ sung dưỡng chất hiệu quả và an toàn nhất. Ngoài canxi, chúng ta cần cung cấp thêm omega-3, các loại vitamin và khoáng chất khác để tăng hấp thu canxi và hỗ trợ kháng viêm. Bạn nên đưa vào thực đơn hàng ngày các thực phẩm như: sữa, rau xanh, cá hồi, trái cây tươi… để tăng cường sức khỏe xương.
3. Chăm chỉ tập thể dục
Tập thể dục giúp lưu thông máu, tăng hấp thụ canxi, làm chậm quá trình lão hóa xương. Khi vận động, lực tác động lên xương sẽ kích thích các nguyên bào xương và yếu tố tăng trưởng hoạt động tích cực hơn, từ đó cải thiện mật độ và độ chắc khỏe của xương.
Ngoài ra, vận động còn giúp tăng cảm giác thèm ăn, hỗ trợ hấp thụ dinh dưỡng và bù đắp các vi chất thiếu hụt như canxi, phốt pho,…
(Tổng hợp)