Nhảy đến nội dung
 

'3 động cơ' của đầu tàu TPHCM mới sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa ký ban hành đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh khi TP.HCM hợp nhất với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đề án, TP.HCM mới sau sáp nhập sẽ bao gồm 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa ký ban hành đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh khi TP.HCM hợp nhất với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đề án, TP.HCM mới sau sáp nhập sẽ bao gồm 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội của Bình Dương và TP.HCM tin tưởng rằng, 3 địa phương khi hợp nhất sẽ bổ sung những điểm mạnh cho nhau và sẽ cùng phát triển.

Mở ra không gian mới cho cả 3 địa phương

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương), TP.HCM mới sau sáp nhập sẽ trở thành một địa phương lớn nhất cả nước về quy mô GRDP, sẽ là đầu tàu rất mạnh ở phía Nam, tạo động lực phát triển của cả khu vực đồng bằng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, nhờ thế kinh tế trong khu vực đấy sẽ được phát triển theo xu hướng phát triển của TP.HCM.

“Tôi nghĩ đây là cơ hội rất tốt cho việc phát triển kinh tế không phải chỉ khu vực mà là cho cả nước”, ông Huân tin tưởng.

'3 động cơ' của đầu tàu TPHCM mới sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân. Ảnh: Quốc hội.

Phân tích những thách thức hiện tại, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, TP.HCM và Bình Dương đang gặp khó khăn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về không gian và quỹ đất. Để phát triển kinh tế thì hạ tầng cực kỳ quan trọng, trong khi đó, nếu Bình Dương và TP.HCM tiếp tục bị bó hẹp thì việc phát triển lên nữa là một thách thức rất lớn.

Thứ hai, về vấn đề logistics, đây là một hạn chế của TP.HCM nhưng khi kết hợp với Bà Rịa - Vũng Tàu thì rõ ràng là có lợi thế về phát triển tuyến đường biển.

“Khi hợp nhất thì rõ ràng sẽ tạo ra một không gian mới cho cả 3 địa phương. TP.HCM là trung tâm tài chính - thương mại lớn nhất cả nước. Bà Rịa - Vũng Tàu nắm giữ những lợi thế chiến lược về cảng biển nước sâu, năng lượng và du lịch biển. Nếu Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển công nghiệp như Bình Dương và các doanh nghiệp TP.HCM thì vẫn còn rất nhiều dư địa”, đại biểu đoàn Bình Dương đánh giá.

'3 động cơ' của đầu tàu TPHCM mới sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội: "Cử tri cả nước ai cũng mong chờ tinh gọn bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".

Đề cập cơ chế đặc thù hiện nay Quốc hội trao cho TP.HCM, ông Huân cho rằng, trước đây TP.HCM đã trao quyền cho TP.Thủ Đức thì hiện nay có thể tiếp tục có những cơ chế giao quyền phát triển cho Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi sáp nhập, 3 địa phương sẽ dựa vào nhau để phát triển chứ không kìm hãm, kiểm soát nhau.

“Tôi nghĩ sẽ tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù và TP.HCM cũng phải trao quyền tự chủ, chứ không phải sau hợp nhất sẽ kiểm soát Bình Dương, kiểm soát Vũng Tàu theo kiểu quận, huyện thì sẽ rất khó khăn. Phải trao quyền tự chủ cho họ”, ông Huân nói.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Quang Huân, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng để TP.HCM mới phát triển đúng kỳ vọng thì cơ chế đặc thù hiện tại cần phải được tiếp tục và mở rộng. Theo ông Ngân, hiện nay, mới chỉ có một số điều trong các quy định được sửa đổi, chưa thể luật hóa phù hợp với quy mô kinh tế và dân số của từng địa phương.

Đại biểu Ngân đề xuất các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù từng được áp dụng cho TP.HCM và một số địa phương trong thời gian qua nên tiếp tục áp dụng cho TP.HCM mới, để đảm bảo tính đồng bộ và vận hành liên tục cho đến khi luật pháp hoàn chỉnh.

“Nghị quyết 98 từng áp dụng cho TP.HCM nên tiếp tục áp dụng cho TP.HCM mới - bao gồm cả ba địa phương hiện nay”, ông Ngân nói.

'3 động cơ' của đầu tàu TPHCM mới sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu ảnh 3

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Quốc hội.

Đầu tàu TP.HCM mới được gắn “3 động cơ” phát triển

Các đại biểu cũng đề cập cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, thực hiện chủ trương chính quyền địa phương 2 cấp tại TP.HCM mới.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, đây là vấn đề cần các nhà kinh tế, nhà hoạch định của TP.HCM và của Trung ương nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa trao quyền tự chủ, vừa có thể kiểm soát, không để phát triển một cách tràn lan. Đồng thời, có định hướng để các khu vực được quyền phát triển thế mạnh của mình.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, cần có sự thống nhất về tư duy và quan điểm. Theo đó, chính quyền địa phương nên gồm cấp tỉnh, thành và cấp xã, phường. Đặc biệt, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đảm bảo xã, phường có đủ thẩm quyền giải quyết các vấn đề của người dân và doanh nghiệp. Để làm được điều đó, cần có một thể chế rõ ràng, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số.

“Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 và Quốc hội cũng đang xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Các nội dung này mang tính đồng bộ, góp phần hiện thực hóa quyết tâm chính trị trong việc tinh gọn bộ máy nhà nước và nâng cao hiệu quả quản lý”, ông Ngân nói.

"Vấn đề quan trọng là sự tương hỗ các tiềm lực, thế mạnh của các địa phương vào một địa phương lớn và phát triển hơn. TP.HCM mới sẽ là một đầu tàu mới, hiện đại hơn và gắn “3 động cơ” để thúc đẩy TP.HCM tiếp tục là một đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

'3 động cơ' của đầu tàu TPHCM mới sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu ảnh 4

Các đại biểu kỳ vọng TPHCM mới khi sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương sẽ tiếp tục là một đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước. Ảnh: VGP.

Theo ông Ngân, khi 3 địa phương hợp nhất thành TP.HCM mới sẽ đóng góp 1/4 GDP của cả nước, 1/3 tổng thu ngân sách của cả nước và hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Do đó, ông rất kỳ vọng vào sự tăng tốc phát triển của "siêu đô thị" này.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng hơn nữa là những thế mạnh của 3 địa phương sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, thủ phủ công nghiệp Bình Dương sẽ kết hợp với các khu công nghiệp của TP.HCM, các KCN đi sâu vào công nghệ cao và thúc đẩy quá trình hợp tác giữa các địa phương. Hàng hóa xuất khẩu sẽ lưu thông thuận lợi hơn khi kết hợp với hệ thống logistics tại các cảng biển của TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn kinh tế biển của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Bình Dương và TP.HCM.

Các đại biểu khẳng định và kỳ vọng, TP.HCM vốn là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học - công nghệ của cả nước, khi hợp nhất cùng Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì một TP.HCM mới sẽ hình thành, đóng vai trò là đầu tàu phát triển quan trọng trong thời gian tới.

Theo Dân Việt
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn