3 bí kíp giúp bình tĩnh trong phòng thi

Ngoài việc ôn tập kiến thức thật chắc thì giữ vững tâm lý trong phòng thi là yếu tố rất quan trọng giúp các thủ khoa chiến thắng được kỳ thi quan trọng.
Thủ khoa Nguyễn Thị Thanh Bình, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng thí sinh nào đi thi chắc hẳn cũng đã từng nghe qua câu "học tài thi phận". Việc cố gắng suốt 12 năm học sẽ được quyết định bởi một kỳ thi. "Nhưng nếu trong kỳ thi đó, tâm lý của bản thân thí sinh không vững, để xảy ra mất bình tĩnh thì sẽ dẫn đến những kết quả có thể ân hận", Thanh Bình nói.
Để giữ vững tâm lý trong phòng thi, thủ khoa ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2021 chia sẻ 3 bí quyết.
Đầu tiên là chuẩn bị mindset (tư duy) cho bản thân. Thanh Bình cho hay: "Trước khi đi thi, thí sinh thường có tâm lý không biết có làm bài được hay không, có ôn trúng đề, hay đề thi liệu có khó hay không?... Nghĩa là thí sinh thường có tâm lý lo sợ về tương lai, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Và nếu thất bại sẽ như thế nào?".
Từ những băn khoăn, lo sợ này, Thanh Bình hướng dẫn cách để chuẩn bị mindset cho bản thân: "Nguyên tắc là hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng sẽ có phương án giải quyết. Cách thực hiện là hãy viết nhật ký hay một lá thư cho bản thân. Trong đó dự trù hết những khả năng có thể xảy ra. Ví dụ trước khi vào phòng thi, hoặc 2 - 3 đêm trước ngày thi, hãy viết cho bản thân một lá thư. Chẳng hạn, nếu kỳ thi này đạt được kết quả như ý thì sao? Và ngược lại sẽ như thế nào? Nếu không thi đậu vào trường này mà đậu vào trường khác sẽ làm gì?...".
Theo Thanh Bình, não bộ của con người thường lo sợ những gì bản thân không thể kiểm soát. Trong tương lai, kết quả của kỳ thi cũng là điều chúng ta không thể kiểm soát. Bởi vì không thể kiểm soát nên cảm giác rất mơ hồ và mong manh. Vì thế, Thanh Bình cho rằng cách để có thể kiểm soát được những thứ trong suy nghĩ đó là hãy viết chúng ra. Khi đó, dẫu với tình huống nào, bản thân cũng biết sẽ có phương án giải quyết. Cái gì đến sẽ giải quyết cái đó. Cái gì không biết cũng không sao cả. Dù kết quả thế nào cũng sẽ chấp nhận được. Và việc cần làm là phải cố gắng hết sức, thật bình tĩnh, tập trung, nỗ lực hết mình để làm bài.
Bí kíp thứ 2 của Thanh Bình là hít thở thật sâu. Nữ thủ khoa phân tích: "Khi bước vào phòng thi, tim sẽ đập rất nhanh, tay bắt đầu run. Để có thể kiểm soát được những triệu chứng đấy hãy nhắm mắt lại, hít thật sâu, và từ từ thở ra. Khi làm điều này lặp đi lặp lại khoảng 10 lần, cơ thể sẽ thích ứng được, sẽ cung cấp đủ ô xy cho não, giúp chúng ta giữ được bình tĩnh". Dù chỉ là một hành động nhỏ như hít thở thật sâu nhưng Thanh Bình cho rằng cũng sẽ giúp não bộ được thư giãn, nghỉ ngơi, qua đó giúp làm bài thi hiệu quả hơn.
Bí kíp thứ 3 mà Thanh Bình muốn chia sẻ là sau khi thi xong mỗi môn đừng nên dò đáp án.
"Sau mỗi môn thi, theo kinh nghiệm của mình là không nên dò, đối chiếu đáp án với bạn bè, người khác. Lý do là để bản thân đỡ hoang mang. Bởi đáp án của người khác cũng chưa phải là đáp án chính thức cuối cùng. Và khi đã làm bài xong, cũng chẳng thể thay đổi đáp án trong bài thi. Như vậy đồng nghĩa việc dò, đối chiếu, so sánh với đáp án của thí sinh khác cũng không có tác dụng gì. Thậm chí còn dẫn đến tốn thời gian, tốn năng lượng cho việc lo lắng, hoang mang", Thanh Bình nói và khuyên thí sinh: "Thay vào đó, hãy dành thời gian để chuẩn bị tâm lý, ôn lại bài một cách tốt nhất cho ngày thi hôm sau, môn thi sau".