'20 năm làm việc cật lực vẫn chưa mua nổi nhà Hà Nội'

"Sống và làm việc ở thành phố này đã gần 20 năm, vậy mà tôi vẫn chưa thể có được một ngôi nhà theo đúng nghĩa là của mình, dẫu chỉ là nhỏ nhoi. Lúc mới lên thành phố sống một mình cũng thuê trọ, tới khi lấy vợ rồi sinh con đẻ cái cũng vẫn sống cuộc đời nhà trọ, nay đây mai đó. Mức thu nhập ít ỏi, cộng với quá nhiều thứ phải chi tiêu, giá cả luôn tăng vọt, chẳng biết đến bao giờ vợ chồng tôi mới có tiền để mua nổi một căn nhà...". Đó là lời tâm sự của một người công nhân quê Thanh Hóa, đang làm việc trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long mà tôi quen.
Vợ chồng anh đã định cư ở Hà Nội ngần ấy năm trời, và giờ đây vẫn sớm hôm đi về căn nhà trọ ở một làng quê ven đô, thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Cuộc sống, nỗi niềm và mơ ước của anh về một căn nhà do mình đứng tên, làm chủ chỉ là một trong hàng triệu mong muốn của biết bao con người tỉnh lẻ, đang sống và làm việc tại các đô thị lớn.
Do không có tiền mua nhà, mua đất xây nhà, nên họ vẫn phải tạm bằng lòng với cảnh đời ở trọ, bởi chính họ cũng chẳng biết làm cách nào để thay đổi được cuộc sống của mình? Họ chỉ biết lao động cật lực, sống và hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
>> Hành trình bỏ mối bánh mì mua được nhà phố của mẹ tôi
Đôi vợ chồng trẻ quê Nghệ An, cùng công nhân làm trong khu công nghiệp Sài Đồng A (quận Long Biên, Hà Nội) cũng là một trong số đó. Từ ngày xây dựng gia đình cho tới khi có hai đứa con đã tới tuổi đi học, họ vẫn tá túc trong căn phòng thuê trọ chật trội, ngay gần chỗ làm. Diện tích của căn phòng chỉ 16 m2, mà chứa cả một gia đình với biết bao đồ đạc nên càng thêm ngột ngạt. Phòng chật đến nỗi anh chồng còn làm thêm cả một cái gác lửng để ngủ, cái xe máy cũng phải đi gửi nhờ sân hàng xóm vì không còn chỗ chứa.
Lương của cả hai vợ chồng tổng cộng chỉ hơn 20 triệu đồng một tháng. Nghe thì có vẻ nhiều nhưng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu trên thành phố cho cả gia đình. Nhà trọ quá chật, nhưng họ cũng đành chịu vì nếu bỏ ra 4-5 triệu đồng để thuê nhà rộng hơn thì chi phí đội thêm mỗi tháng tiền nhà, điện, nước... chưa kể tiền ăn tiêu sinh hoạt, tiền học cho hai con... kiểu gì cũng "thiếu trước hụt sau". Vì không có tiền nên nhiều khi trong họ hàng ở quê có cỗ bàn, cưới xin, hai vợ chồng cũng chẳng dám về vì sợ tốn kém.
Và còn có rất nhiều hoàn cảnh giống như hai gia đình trên, khi thu nhập chỉ ở mức tạm đủ sống kiểu tằn tiện. Vì vậy, việc phải sống cảnh chui nhủi trong những căn nhà trọ chia lô chật hẹp là điều không thể khác được. Mục đích phấn đấu, niềm mơ ước của những người dân tỉnh lẻ nhập cư lên thành phố là mua được một căn nhà cho gia đình, dẫu nó bé nhỏ, xa trung tâm thành phố, trong hẻm ngõ sâu... cũng là hạnh phúc lắm rồi.
Tôi có một người bạn quê Thanh Hóa, tốt nghiệp đại học Nông nghiệp, đã từ chối một công việc khá an nhàn, ổn định, nhiều ưu đãi ở quê nhà để "bám trụ" lại Hà Nội. Cuộc sống nơi đô hội của bạn khá vất vả, khi phải bươn trải bằng rất nhiều nghề, kinh qua rất nhiều khu xóm trọ. Bạn lấy vợ và sinh hai đứa con kháu khỉnh. Thế nhưng, mục tiêu mua được nhà e rằng quá khó, khi chẳng biết tới lúc nào mới phấn đấu nổi?
Đồng lương viên chức hành chính sự nghiệp của vợ, cùng khoảng hơn chục triệu đồng lương của bạn, gần như chỉ đủ ăn tiêu đạm bạc, chứ chẳng dư dả mỗi tháng được mấy triệu đồng để tích góp mua nhà. Trong khi đó, giá đất, giá nhà mỗi ngày một "phi nước đại", chẳng biết đến bao giờ vợ chồng bạn mới có được căn nhà để ổn định cuộc sống?
Giả sử, một đôi vợ chồng ở thành phố, lương mỗi người khoảng 12 triệu đồng một tháng, nếu khi chưa có con cái, sau khi trừ hết tiền trọ, tiền sinh hoạt các loại thì mỗi tháng cả hai nhiều nhất sẽ tiết kiệm được khoảng từ 5-7 triệu đồng. Với mức tiết kiệm được như vậy, tôi nghĩ phải cần tới mấy chục năm thì họ mới có thể mua được một căn chung cư bình dân có giá khoảng trên 2 tỷ đồng (với điều kiện giá nhà đứng yên, không tăng). Đúng là khó như hái sao trên trời.
Nguyễn Thuý Uyên