2 Cây Di sản hơn 300 tuổi của Việt Nam: Loại gỗ quý hiếm "hút" tài lộc, giá hàng chục triệu đồng 1 khối

Đây là loài cây gỗ quý hiếm trong tình trạng “sắp nguy cấp” do bị khai thác quá mức. Hiện loại cây này đang được trồng để bảo tồn nguồn gen quý và góp phần giữ gìn sinh thái rừng.
Vào ngày 27/02/2024, hai cây bách xanh hơn 300 năm tuổi, thuộc quần thể bách xanh trong Vườn quốc gia Ba Vì, đã được Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Vì long trọng tổ chức lễ công bố quyết định công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Chuyên gia lâm nghiệp Nguyễn Văn Biên, Giám đốc Trung tâm Cây giống Tam Đảo (Vĩnh Phúc), cho biết bách xanh (Calocedrus macrolepis) là loài gỗ quý hiếm, được xếp vào nhóm IIA trong danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam. Đồng thời, loài này cũng nằm trong Sách Đỏ IUCN với tình trạng “sắp nguy cấp” (Near Threatened).
Bách xanh có giá trị kinh tế cao nhờ gỗ được dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ và nội thất cao cấp. Chính vì có giá trị sử dụng lớn nên trong những năm gần đây, loài cây này đang có nguy cơ bị tận diệt do khai thác quá mức. Hiện nay, bách xanh đã được đưa vào các dự án lâm nghiệp để phát triển bền vững.
Gỗ bách xanh có thớ thẳng, mịn, thơm, không bị mối mọt, dễ gia công, thường được dùng trong xây dựng, đóng đồ nội thất cao cấp và làm hàng mỹ nghệ. Nhờ mùi thơm đặc trưng, gỗ còn được dùng làm nguyên liệu sản xuất hương cao cấp thay thế gỗ hoàng đàn đã cạn kiệt.
Theo ông Biên, tại Việt Nam có nhiều loại bách, nhưng loại tốt nhất là bách xanh. Gỗ bách xanh có vân đẹp, mùi thơm nhẹ, màu vàng nhạt đến nâu xám, ít cong vênh, chống mối mọt tốt. Giá gỗ bách xanh thay đổi theo thời điểm, có thể lên đến hàng chục triệu đồng/m³ tùy vào tuổi cây và chất lượng gỗ.
Bách xanh là cây lâu năm, có thời gian thu hoạch gỗ từ 20 năm trở lên. Vì là loài cây quý, hiện bách xanh đang được trồng trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn để phục hồi rừng. Ngoài ra, một số cá nhân và tổ chức cũng trồng bách xanh làm cây cảnh công trình nhờ hình dáng đẹp, lá xanh quanh năm và mùi gỗ thơm.
Cây mang lại vượng khí tốt
Ông Nguyễn Văn Biên cho biết, nhờ dáng đẹp, lá xanh quanh năm, bách xanh thường được trồng làm cây cảnh quan tại các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, biệt thự và resort. Cây có tán đẹp nên cũng được nhiều người chơi cây cảnh tìm mua để tạo dáng bonsai.
Trong phong thủy, cây bách xanh tượng trưng cho sự trường tồn, bền vững và có khả năng hút tài lộc, mang lại vượng khí tốt cho gia chủ.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và phong thủy, bách xanh còn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái rừng: chống xói mòn, giữ nước tại vùng núi cao, tạo sinh cảnh cho động vật hoang dã, hấp thụ CO₂ và cải thiện môi trường sống.
Lợi ích cho sức khỏe
Trong y học cổ truyền, bách xanh được xem là dược liệu quý, tốt cho sức khỏe. Ngoại trừ hoa, tất cả các bộ phận của cây như thân, vỏ, lá, rễ và quả đều có thể sử dụng làm thuốc. Trong đó, rễ cây được dùng phổ biến nhất.
- Rễ: Thái nhỏ, tẩm rượu sao. Có vị đắng, tính mát, dùng chữa khí hư, huyết kém, tiêu hóa kém, đau ngực, đau cơ, tê mỏi chân tay, buồn nôn, tiêu chảy, cảm mạo.
- Vỏ thân: Giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ tiêu hóa, chữa đầy bụng, đau bụng kinh, đau lưng, nhức mỏi.
- Quả: Dùng chữa lỵ và tiêu chảy.
- Lá: Dùng làm nước tắm chữa ghẻ lở, ngứa ngoài da.
Tại một số địa phương, bà con còn sử dụng lá và tinh dầu bách xanh để xông giải cảm, trị ho. Tuy nhiên, những công dụng này hiện chưa được nghiên cứu sâu trong y học hiện đại.