Nhảy đến nội dung

17 năm làm IT vẫn chưa bị mất việc vì AI

"Tôi là lập trình viên từ năm 2008. Giống như nhiều người làm cùng ngành khác, tôi đã trải qua giai đoạn thịnh vượng của nghề này, khi công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ. Suốt 17 năm làm nghề, tôi từng sang Mỹ, làm vị trí Project Manager và quản lý cả một mảng lập trình với nhiều thành viên.

Đến giờ, tôi vẫn làm công việc lập trình, chưa bị đào thải như một số người khác. Nhưng tôi hiểu một thực tế rằng AI đang ngày một phát triển, ngày càng giỏi hơn. Thế nhưng, tôi không lo trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế công việc của mình, mà ngược lại, tôi tận dụng AI, biến nó trở thành một công cụ đắc lực trong nhiệm vụ chuyên môn hằng ngày.

AI giúp tôi rất nhiều trong công việc và tiết kiệm rất nhiều thời gian. Trước đây, để làm ra một thuật toán, chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều, bỏ nhiều chất xám và chỉnh tới chỉnh lui mới xong. Còn giờ, tôi chỉ cần AI mô tả và tinh chỉnh với nó vài lần là hoàn chỉnh. Đôi khi, tôi nghĩ ngày nay, với sự giúp sức của AI một người không cần có trình độ quá cao vẫn có thể làm được cái mà ngày xưa phải các lập trình viên rất giỏi mới làm được.

>> Lương IT 20 triệu đồng, tôi từ chối cống hiến cho công ty

Như vậy, thực tế, nếu một công ty, đặc biệt là công ty gia công phần mềm, không có lượng dự án quá dồi dào, thì số lượng lập trình viên chắc chắn sẽ bị cắt giảm đi khá nhiều với sự xuất hiện của AI. Và mặt trái của AI là nó làm cho tư duy của lập trình viên giảm xuống, lười suy nghĩ hơn. Thời tôi tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề rất được xem trọng, để học một ngôn ngữ, thư viện mới mất khá nhiều thời gian. Còn bây giờ cái gì khó chỉ cần hỏi AI rồi chỉnh sửa lại là xong, trừ khi bạn làm ở một đẳng cấp cao hơn và đặc thù hơn.

Bản thân tôi làm lâu năm vẫn đang phân vân về AI, và con đường sắp tới mình đi sẽ thế nào? Nếu nói tôi bây giờ kém hơn máy móc thì cũng không sai, vì chúng làm nhanh hơn, chính xác hơn. Thứ trước đây tôi làm mất vài ngày thì giờ chỉ cần vài tiếng là AI đã làm hết. Tôi không tự nhận mình giỏi hơn máy móc, tôi chỉ tận dụng nó để mình làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn mà thôi. Và đó là cách tôi khiến mình không bị đào thải".

Đó là chia sẻ của độc giả Bevuonlen trước những lo lắng về "Thế hệ mất mát vì AI". Thực tế, AI đang dần thay thế những công việc giản đơn, lặp lại như thống kê, giao dịch, kế toán, nhập dữ liệu... Trong bối cảnh kinh tế bất ổn và sự trỗi dậy mạnh mẽ của AI, vị trí của các tân cử nhân ngành công nghệ, tài chính và tư vấn đang dần khan hiếm. Việc tự động hóa các công việc cơ bản, từ viết mã đến xử lý tài liệu pháp lý đang khiến nhà tuyển dụng ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm, hoặc các giải pháp AI hơn là đào tạo người mới từ đầu.

Vậy lập trình viên cần làm gì trước làn sóng AI? Bạn đọc Comet breaker nhấn mạnh: "Tôi cũng là một lập trình viên và đã trải qua hơn một thập kỷ làm việc cho các tập đoàn Nhật, Mỹ. Tôi nghĩ, chuyện AI làm code nhanh và giúp lập trình viên tăng năng suất lao động là chuyện đã quá rõ ràng. Nếu ngày xưa, sự hiểu biết sâu và tốc độ code giúp phân biệt lập trình viên giỏi và dở, thì ngày nay, với sự hỗ trợ của AI, chỉ cần có một chiến thuật prompt hợp lý, lập trình viên ở mức khá đã có thể đưa ra được giải pháp rất tốt cho các bài toán phổ thông.

Do vậy, với lập trình viên lúc này, bên cạnh học hỏi kiến thức chuyên ngành, thì các kỹ năng khác như khả năng trình bày vấn đề trước đám đông, ngoại ngữ, nắm bắt tâm lý khách hàng... càng trở nên quan trọng. Vì đó sẽ là những điểm mà AI chưa thể thay thế được con người ngay, trừ khi doanh nghiệp thay đổi cách vận hành từ gốc rễ".

Việt Thành tổng hợp

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn