160 tỉ USD cho sáu 'siêu dự án' dài 3.000km: cú hích tăng trưởng từ các dự án đường sắt

Với tổng vốn trên 160 tỉ USD cho sáu "siêu dự án" có chiều dài gần 3.000km, mạng lưới giao thông đường sắt nước ta đang được triển khai. Các dự án khi hoàn thành được kỳ vọng là cú hích mới về giao thương phát triển kinh tế.
Yêu cầu mới nhất vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ấn định là ngày 19-12-2025 sẽ là thời hạn cuối cùng để khởi công xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Kế đó, "siêu dự án" đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng được chốt sẽ khởi công chậm nhất vào tháng 12-2026, cùng với một loạt dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Vai trò và trọng trách của ngành đường sắt quan trọng hơn bao giờ hết...
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của chuyên gia:
GS Đặng Đình Đào (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển):
Đánh thức "tài nguyên bị lãng quên"
Trong hệ thống cơ sở hạ tầng thì hạ tầng đường sắt là nòng cốt thúc đẩy lưu thông hàng hóa, nhưng suốt mấy chục năm qua chúng ta chỉ tập trung phát triển đường bộ.
Nếu như các nước thường ưu tiên đầu tư đường sắt trước khi đầu tư hệ thống đường bộ, còn ở ta thì ngược lại, trong suốt nhiều năm qua chúng ta ưu tiên đầu tư phát triển đường bộ cao tốc mà lãng quên đường sắt.
Và việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mở ra cơ hộ cho nền kinh tế bứt phá trong kỷ nguyên mới. Với địa hình lãnh thổ trải dài và hẹp thì đường sắt tốc độ cao có lợi thế lớn, vừa nhanh vừa thuận tiện.
Dự án hàng chục tỉ USD này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung toàn nền kinh tế, đặc biệt sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội các địa phương có tuyến đường chạy qua và thay đổi tỉ trọng vận chuyển hàng hóa giữa các phương thức, loại hình vận tải.
TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông):
Đường sắt là mạch máu của nền kinh tế
Cả nước đang có hơn 2.000km đường sắt lạc hậu, khổ 1m, đường đơn nên vận tải đường sắt chỉ chiếm trên 1% sản lượng vận tải hàng hóa cả nước (trong khi vận tải đường bộ chiếm 80 - 90%). Đây là sự lệch pha của mạng lưới vận tải, nguyên nhân do mấy chục năm qua ngành đường sắt gần như không phát triển.
Thông thường chi phí vận tải ô tô gấp 2-3 lần chi phí vận tải đường sắt. Điều này gây lãng phí, không tối ưu hóa mạng lưới giao thông. Việc phụ thuộc quá lớn vào vận tải đường bộ đang đẩy chi phí logistics của Việt Nam lên quá cao, gấp 3-4 lần của Singapore, khiến hàng hóa Việt Nam giảm tính cạnh tranh.
So với mạng lưới cao tốc đường bộ, vận tải đường sắt tốc độ cao không chỉ giảm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách, giảm tai nạn giao thông, tăng độ an toàn mà còn tiết kiệm quỹ đất đầu tư hạ tầng.
Vận tải đường sắt là mạch máu chính của nền kinh tế, năng suất vận tải gấp hàng chục lần vận tải đường bộ. Xét về mặt chi phí, đường sắt tốc độ cao có thể cạnh canh với hàng không về chi phí trong vận tải hành khách.
PGS.TS Trần Chủng (chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ):
Tạo cơ hội cho nhiều ngành phát triển
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tầm thế kỷ, có sức lan tỏa, trong dự án có nhiều loại hình công việc mà các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham dự. Chẳng hạn dự án kéo theo sự phát triển của ngành điện, sẽ có thêm những nhà máy điện được xây dựng để phục vụ dự án.
Ngoài ra, việc xây dựng các hạng mục dự án bên dưới hệ thống đường ray như cầu, đường, hầm, tà vẹt các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể tham gia từ khâu cung ứng vật tư, vật liệu, cấu kiện đúc sẵn, thi công xây dựng. Mảng xây dựng trong dự án khối lượng rất lớn nên cơ hội cho doanh nghiệp trong nước rất nhiều.
Với các hạng mục còn lại như đường ray, hiện Tập đoàn Hòa Phát đã đăng ký tham gia. Còn hạng mục đầu máy, toa xe chắc chắn chúng ta phải mua công nghệ nước ngoài. Đây là hạng mục phức tạp về công nghệ nhưng các doanh nghiệp trong nước cũng có thể tiếp cận, nghiên cứu tham gia một vài phần cụ thể. Cơ hội dự án chia đều cho các doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn nhân lực, công nghệ.
Đối với hệ thống thông tin tín hiệu, hạng mục rất quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hiện Thủ tướng đang giao cho VNPT và Viettel nghiên cứu tiếp cận công nghệ để tham gia vào dự án. Chắc chắn người Việt phải làm chủ công nghệ này để phục vụ việc khai thác, vận hành lâu dài dự án.
Ngoài ra, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mở ra cơ hội phát triển các đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông) tại khu vực các nhà ga; sẽ có hàng chục trung tâm, cụm đô thị mới được hình thành xung quanh nhà ga dự án, phát huy tối đa hiệu quả khai thác quỹ đất khu vực quanh các nhà ga.
Điều này mang lại lợi ích kinh tế rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp (chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam - VACC):
Tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước
Đấu thầu thực hiện các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đặc biệt chọn thầu ECP (thiết kế - mua sắm và xây dựng) đòi hỏi nhà thầu có năng lực toàn diện hơn, từ năng lực thiết kế, mua sắm thiết bị và thi công xây dựng dự án. Nếu thực hiện theo hình thức này thì các nhà thầu trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn.
VACC đã có kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng về việc phân chia gói thầu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ở mức phù hợp để các nhà thầu trong nước có thể tham gia. Ngoài ra, cũng kiến nghị bỏ yêu cầu năng lực kinh nghiệm theo Luật Đấu thầu - nhà thầu phải làm từ 1-2 công trình tương tự.
Nên ưu tiên các nhà thầu trong nước đã từng thi công dự án nhóm A, cấp đặc biệt làm nòng cốt các tổ hợp liên danh nhà thầu thi công dự án. Các nhà thầu còn lại có thể tham gia dự án với vai trò thầu phụ cho các tổ hợp liên danh thi công các gói thầu dự án.
Với mục tiêu Thủ tướng đặt ra, VACC đã kiến nghị Chính phủ áp dụng cơ chế chỉ định thầu có điều kiện để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Điều kiện chỉ định thầu là nhà thầu trúng thầu phải giảm giá 5%, như vậy vừa tiết kiệm được ngân sách vừa tiết kiệm thời gian, chọn các nhà thầu đã làm dự án trọng điểm quốc gia vào thi công dự án.
Đồng thời cho các liên danh, tổ hợp nhà thầu trong nước khi thi công dự án được thuê thầu phụ nước ngoài có năng lực làm dự án để hướng tới mục tiêu chuyển giao công nghệ.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn nên chúng ta cần thay đổi vị thế, tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước làm chủ, làm tổng thầu dự án thay vì đi làm thuê như lâu nay.