16 tuổi có được góp vốn lập doanh nghiệp?

Quy định người 16 tuổi trở lên được tham gia góp vốn lập doanh nghiệp đang gây tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội.
Sáng 20.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Đề nghị người 16 tuổi được quyền tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, thay vì 18 tuổi như dự thảo luật, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Lạng Sơn) lý giải: "Hiện luật pháp quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, tức 16 tuổi trở lên không còn trẻ em”.
Mặt khác, theo khoản 4 điều 21 bộ luật Dân sự, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Ông Hiếu cho rằng, người đủ 15 tuổi trở lên có tiền, hoàn toàn có quyền tự mình thực hiện các quyền dân sự như quyền góp vốn và tham gia lập doanh nghiệp.
“Ví dụ như một học sinh cấp 2 có định hướng nghề nghiệp, mở một cửa hàng trà sữa kinh doanh, tại sao không cho họ góp vốn thành lập các tổ chức kinh tế?”, đại biểu Hiếu nêu và cho rằng, điều này đảm bảo tuân thủ và tương thích với các luật khác của Việt Nam.
Tranh luận với đại biểu Hiếu, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng, đề xuất đối tượng 16 tuổi trở lên được quyền tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp “cần rất cân nhắc”.
Đại biểu đoàn Bình Định phân tích, góp vốn thành lập công ty là sáng lập viên. Trong khi đó, công ty toàn người chưa thành niên thì việc điều hành, giao dịch sẽ khó khăn. “Cần đánh giá kỹ lưỡng nếu doanh nghiệp tham gia nhiều quan hệ kinh tế - xã hội như vậy mà người chưa thành niên sở hữu. Còn góp vốn thì hoàn toàn có thể”, ông Ba nêu.
Cũng theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, luật Doanh nghiệp đã từng bước thực hiện được các quyền gia nhập thị trường của các tổ chức, cá nhân. Quy định pháp luật từ lâu đã thừa nhận quyền góp vốn của người vị thành niên. Nói cách khác, bất kỳ cá nhân nào sở hữu tài sản đều có quyền góp vốn, chỉ quy định cấm với một số đối tượng như cán bộ viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân…
Góp ý thêm, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trong dự thảo luật những nguyên tắc mà thế giới đã công nhận. Theo đó, khi cơ quan nhà nước tiếp nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp mà không trả lời coi như là chấp nhận. Kinh nghiệm thế giới với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh thông thường thì chỉ cần đăng ký, nếu hết thời hạn mà cơ quan nhà nước không ý kiến tức là đồng ý.
“Quy định này sẽ tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đổi từ tư duy quản lý hành chính sang phục vụ các doanh nghiệp. Trên thực tế, quy định 3 ngày nhưng nhiều trường hợp để đến 7 ngày. Như tại Úc, việc đăng ký kinh doanh thậm chí tính theo giờ chứ không phải theo ngày”, ông Ba nêu.
Cá nhân có thể lập rất nhiều doanh nghiệp, lợi dụng trốn thuế
Góp ý thêm về quy định quyền tự do kinh doanh, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) băn khoăn rằng cách hiểu này trong thực tiễn nảy sinh vấn đề rất lớn.
"Như vụ liên quan 100 tấn thực phẩm chức năng giả, riêng cá nhân này đứng 17 doanh nghiệp, trong đó 6 doanh nghiệp xuất khẩu và 11 doanh nghiệp sản xuất", ông Thành dẫn chứng và cho rằng tình trạng này liên quan đến điều 33 của dự thảo luật về quyền tự do kinh doanh. Mặt trái là cá nhân có thể lập rất nhiều doanh nghiệp và lợi dụng chuyển giá, trốn thuế.
Trên thực tế, theo đại biểu đoàn Thái Nguyên, đăng ký thành lập doanh nghiệp mới nhưng vốn không nhiều, năng lực về mặt kỹ thuật không nhiều.
"Nhưng có thể đăng ký tất cả các lĩnh vực pháp luật không cấm, từ dưới đất lên trời. Quy định này có thực sự hiệu quả không, hay tạo tác động cạnh tranh không lành mạnh", ông Thành nêu.
Ông cho rằng, dự thảo luật cần tính tới việc tạo thông thoáng cho sản xuất kinh doanh, đồng thời phải đảm bảo quản lý nhà nước hiệu quả, tránh bất cập, tạo môi trường kinh doanh thực sự lành mạnh.