15 luật sư sẽ bào chữa cho ông Trần Đình Triển trong phiên kháng cáo

Phiên tòa được TAND Cấp cao tại Hà Nội dự kiến xét xử một ngày. Bị cáo Triển có 15 luật sư đăng ký bào chữa tại phiên phúc thẩm. Tại phiên sơ thẩm, ông có 11 luật sư, song 3 người vắng mặt.
Ông Trần Đình Triển 65 tuổi, là tiến sĩ luật, nguyên phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội, mở Văn phòng luật sư Vì Dân vào năm 2006.
Ngày 9-10/1, ông bị TAND Hà Nội tuyên 3 năm tù về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, tháng 2/2013, ông Triển lập tài khoản trên Facebook mang tên "Trần Đình Triển", đăng ký với thông tin là Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân.
Trong quá trình hành nghề luật sư, ông Triển "nảy sinh bức xúc cá nhân, cho rằng ngành tòa án và việc điều hành của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao có những vấn đề chưa hợp lý", cáo trạng nêu.
Ngày 23/4-9/5/2024, ông Triển đăng 3 bài viết tại Facebook nêu trên.
Bản án sơ thẩm xác định tại phiên tòa, bị cáo công nhận các bài viết trên Facebook Trần Đình Triển do mình soạn thảo, đăng tải. Ngoài bị cáo không có ai tham gia làm, đăng các bài viết đó.
Ông cho rằng đó là thực hiện quyền tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến, mục đích muốn góp ý xây dựng cho ngành toà án, không nhằm mục đích xâm phạm quyền, lợi ích của ai.
Tám luật sư bào chữa cho ông Triển đề nghị xác định TAND Tối cao và cá nhân Chánh án TAND Tối cao là bị hại trong vụ án. TAND Hà Nội xét xử vụ án là không đúng thẩm quyền vì có xung đột lợi ích.
HĐXX cho hay ông Triển bị truy tố về loại tội có khách thể bị xâm phạm là trật tự quản lý hành chính của Nhà nước. Vì vậy, vụ án này không có bị hại. TAND Tối cao đã có văn bản nêu quan điểm, không có yêu cầu gì trong vụ án này. Vì vậy, không cần thiết phải đưa các tổ chức, cá nhân trên vào tham gia tố tụng.
Về ý kiến bào chữa ông Triển chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, không gây hại cho ai, HĐXX đánh giá, pháp luật tôn trọng, bảo đảm quyền tự do ngôn luận của con người. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, mọi cá nhân đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.
Việc bị cáo sử dụng mạng xã hội để soạn thảo, đăng tải bài viết có nội dung xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác trong xã hội là vi phạm pháp luật. Bị cáo cũng xác nhận các bài viết đó do mình soạn thảo và đăng tải trên trang Facebook Trần Đình Triển, do đó phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
HĐXX đánh giá hành vi của ông Triển rất nghiêm trọng song ông đã nhận thức được một phần sai phạm. Bị cáo trước đây đã có thời gian công tác trong lực lượng vũ trang và hành nghề luật sư có đóng góp cho xã hội, có nhiều giấy khen, có bố tham gia cách mạng, bị cáo là người cao tuổi, nhiều bệnh, được Tòa xét là yếu tố giảm nhẹ.
Ông Triển sau đó kháng cáo toàn bộ bản án, đồng thời đề nghị một số vấn đề liên quan.
Thanh Lam