13 đặc khu Việt Nam: Côn Đảo từng là đặc khu, thuộc TP.HCM 50 năm trước

Đặc khu Côn Đảo là quần đảo nằm ngoài Biển Đông, trực thuộc TP.HCM và cách trụ sở thành phố gần 250 km, theo đường chim bay. Nơi gần đặc khu Côn Đảo nhất trên đất liền là xã Vĩnh Hải (TP.Cần Thơ).
Đặc khu duy nhất có 3 điểm cơ sở
Đến ngày 30.4.1975, đặc khu Côn Đảo là nơi chế độ Việt Nam cộng hòa giam giữ 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị (494 phụ nữ), 2.094 quân phạm...
Ngày 1.5.1975, các tù nhân giải phóng đã nổi dậy cướp chính quyền, làm chủ thị trấn Côn Đảo, chiếm lĩnh sân bay Cỏ Ống.
Sau khi chiếm được đài vô tuyến, lực lượng nổi dậy liên lạc về đất liền, báo việc làm chủ và xin chỉ đạo cấp trên, nhưng mãi chiều 2.5.1975, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định mới trả lời.
Chiều 1.5.1975, trung tướng Lê Trọng Tấn đã chỉ đạo lực lượng tàu vận tải hải quân, Sư đoàn 3 và bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa... ra giải phóng Côn Đảo.
Đêm 3.5.1975, tổ trinh sát của quân giải phóng đổ bộ lên Côn Đảo, bị lực lượng nổi dậy bắt giữ. Sau khi đã xác minh chính xác là... quân ta, ông Lê Câu (mới được bầu làm Chủ tịch ủy ban hòa giải Côn Sơn) đã ra tàu bắt liên lạc với bộ đội.
Sáng 4.4.1975, quân giải phóng đổ bộ lên đảo và chiều hôm ấy, đoàn cựu tù đầu tiên lên tàu về đất liền. Việc tiếp quản Côn Đảo bàn giao lại cho Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 và Tiểu đoàn 445 bộ đội địa phương Bà Rịa.
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng thành lập Trung đoàn phòng thủ Côn Đảo 150 thuộc Vùng 5 Hải quân. Ngày 17.5.1976, Bộ Tư lệnh Hải quân ra Chỉ thị số 91/QĐ chuyển Trung đoàn 150 về Vùng 4 Hải quân và đổi phiên hiệu thành Trung đoàn Côn Đảo 145.
Đơn vị này có 3 tiểu đoàn hỗn hợp (bộ binh, pháo binh, cao xạ) bố trí ở 3 hướng, làm nòng cốt bảo vệ phòng thủ Côn Đảo. Đầu năm 1982, Trung đoàn Côn Đảo 145 được điều chuyển từ Hải quân về Quân khu 7.
Cùng ngay sau ngày giải phóng, Vùng 4 Hải quân đã tổ chức lực lượng ra tiếp quản và khôi phục trạm ra đa đối hải ở Côn Đảo. Cuối tháng 11.1976, trạm ra đa 590 đi vào hoạt động và thuộc biên chế Trung đoàn Côn Đảo 145.
Tháng 5.1977, Vùng 4 Hải quân thành lập tiểu đoàn ra đa 451 (nay là trung đoàn), trên cơ sở các đại đội ra đa 580 (Trà Cú), 585 (Vũng Tàu) và trạm ra đa 590.
Năm 1977, đơn vị công an vũ trang của tỉnh Hậu Giang hành quân ra đảo, bắt đầu đóng quân làm nhiệm vụ. Đây là tiền thân của Đồn biên phòng Côn Đảo, thuộc Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ Tư lệnh TP.HCM hiện nay.
Đặc biệt, Ty an ninh Côn Đảo có quân số đông nhất với gần 300 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có nhiều cán bộ nguyên là tù chính trị ngay từ đầu giải phóng.
Lực lượng an ninh Côn Đảo phối hợp với các đơn vị quân đội đã phá 3 vụ móc nối vượt biên trên địa bàn, bắt 83 vụ với 3.417 người vượt biên từ đất liền ra đảo.
Tháng 10.1982, Bộ Quốc phòng thống nhất các lực lượng vũ trang bảo vệ Côn Đảo thành quận đội Côn Đảo, trực thuộc Ban Chỉ huy Quân sự đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Mô hình thống nhất này, được kéo dài đến nhiều năm sau.
Ít người biết: Đặc khu Côn Đảo là địa phương duy nhất có 3 điểm tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam (theo tuyên bố của Chính phủ, ngày 12.11.1982), đó là các điểm A3 (hòn Tài Lớn), A4 (hòn Bông Lau) và A5 (hòn Bảy Cạnh).
Mạnh dạn khoán sản phẩm
Những năm trước đổi mới, việc khoán sản phẩm đã được lãnh đạo một số địa phương mạnh dạn thực hiện ở miền Bắc (Vĩnh Phúc; Đồ Sơn, TP.Hải Phòng).
Ở miền Nam, Côn Đảo là địa phương đầu tiên "xé rào" thực hiện cơ chế khoán sản phẩm đối với công nhân Xí nghiệp quốc doanh đánh cá Côn Đảo, ngay sau ngày giải phóng và hoàn chỉnh từ đánh bắt đến dịch vụ hậu cần.
Sau này, Tổng Bí thư Lê Duẩn, khi làm việc với Côn Đảo đã nói: "Theo tôi nghĩ, các thủy thủ đi đánh bắt ngoài khơi, đã giao sinh mạng của mình cho trời biển, để khai thác số lượng lớn hải sản cho đồng bào, thì họ xứng đáng được hưởng thù lao cao. Các đồng chí ở Côn Đảo đã phá vỡ cơ chế quản lý của nhà nước một cách nghiêm trọng, nhưng không sai đường lối của Đảng"...
Phát triển kinh tế gắn với du lịch tâm linh
Cuối tháng 2.1977, sau khi Côn Đảo trở thành huyện của tỉnh Hậu Giang, cả 2 Phó thủ tướng Phạm Hùng và Huỳnh Tấn Phát cùng lãnh đạo 1 số bộ ngành đã làm việc với tỉnh Hậu Giang, về dự án quy hoạch xây dựng Côn Đảo.
Các nội dung được thống nhất là: Xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam, kết hợp với yêu cầu tổ chức thăm quan, học tập, du lịch; khai thác khả năng kinh tế, nhất là hải sản; kết hợp xây dựng với củng cố quốc phòng...
Bên cạnh đó, Côn Đảo cũng rất chủ động trong việc tìm hướng phát triển địa phương. Thời điểm 1986, lãnh đạo Quận ủy Côn Đảo liên tục có những cuộc làm việc trực tiếp với Phó thủ tướng Võ Văn Kiệt (sau là Thủ tướng) để có những biện pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm xây dựng và phát triển Côn Đảo.
Cũng chính ông Võ Văn Kiệt đã gợi ý kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa (việt kiều Pháp) giúp Côn Đảo hình thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000.
Bên cạnh việc ổn định đời sống người dân, từng bước phát triển kinh tế, công tác quản lý và bảo vệ di tích lịch sử Côn Đảo được đặc biệt chú trọng.
Thậm chí cuối tháng 8.1975, Tỉnh ủy Côn Đảo đã ban hành quy định: "Từ nay trở về sau, không ai được vào các trại giam của địch trước đây, nhất là nơi giam giữ các lãnh tụ ta. Khi nào có phái đoàn cần thiết đi thăm quan, phải có ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy và UBND, mới được vào" và giao Ty an ninh quản lý.
Cuối tháng 4.1979, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã đặc cách công nhận Khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia.
Tháng 5.2012, Chính phủ xếp hạng là khu di tích quốc gia đặc biệt với tổng diện tích bảo vệ là 110,69 ha.
Vừa qua, địa phương đã tổ chức xây dựng đề án "Phát triển Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác các tiềm năng, lợi thế của Côn Đảo.
Tầm nhìn đến 2045, Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là khu vực bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, giáo dục truyền thống lịch sử; bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quan trọng về bảo vệ quốc phòng và an ninh.