100 năm biên dịch Kinh Thánh: Đóng góp vào sự giàu mạnh của tiếng Việt

Quý 1 năm 2025, Thánh Kinh Hội Việt Nam liên kết Nhà xuất bản Tôn Giáo để xuất bản hơn 57.000 quyển Kinh Thánh truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 100 năm Kinh Thánh tiếng Việt (1925-2025).
Sách được hoàn tất in tại Công ty CP In và Dịch vụ Đà Nẵng, nộp lưu chiểu vào tháng 4 năm 2025. Kinh Thánh là ấn phẩm bán chạy tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các ấn bản Kinh Thánh tiếng Việt truyền thống do Thánh Kinh Hội phát hành có thể được tìm thấy tại các hệ thống nhà sách lớn tại Việt Nam, trong đó có Fahasa và Phương Nam.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đăng Bản, Ban Tôn giáo Chính phủ, công cuộc phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt diễn ra trong nhiều năm, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Kinh Thánh là một trong những tác phẩm có số bản in nhiều nhất, số ngôn ngữ nhiều nhất trên thế giới.
Việc dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt sao cho văn bản này sát nghĩa nhất với bản gốc và hợp với văn cảnh thời đại là việc rất khó, cần nhiều thời gian, công sức và trí tuệ. Dù đã có một bản dịch khá hoàn chỉnh, công việc phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt vẫn chưa kết thúc bởi vẫn tiếp tục cần được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.
Nhìn lại, quá trình dịch Kinh Thánh trong giai đoạn 1911-1925 có tính chất kế thừa và phát triển theo cùng định hướng dịch Kinh Thánh của giai đoạn trước. Thứ nhất, chữ Quốc ngữ tiếp tục được sử dụng là hệ chữ viết cho Kinh Thánh Tin Lành tiếng Việt. Thứ hai, các nhóm dịch kiên trì với nguyên tắc ưu tiên sử dụng từ thuần Việt và từ đơn giản hơn là dùng từ Hán-Việt.
Vấn đề sử dụng văn nói với nhiều hư từ và các đại từ nhân xưng chưa phù hợp với văn viết đã được xử lý, qua đó bản văn trở nên trang nhã và gãy gọn hơn, phù hợp cho việc sử dụng.
Các dịch giả trong giai đoạn 1921–1925 đã tìm được một cách dùng các đại từ nhân xưng sao cho phù hợp với Kinh Thánh là một sách mà trong đó các từ ngữ phải có tính trang nhã và trang trọng.
Làm phong phú thêm văn hóa Việt
Theo thạc sĩ Vũ Văn Hiếu, Nhà xuất bản Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, nếu dùng một từ để giới thiệu tất yếu về Kinh thánh, đó là "tình yêu", và nên được đọc như một câu chuyện về tình yêu.
Trong đó, Nhã ca nhấn mạnh nguồn gốc cốt lõi và giá trị chân chính của tình yêu và hôn nhân. Khám phá giá trị giáo dục về tình yêu và hôn nhân trong Nhã ca cho thấy những nét tương đồng với những giá trị về tình yêu và hôn nhân trong nền văn hóa Việt Nam truyền thống.
Phát huy giá trị giáo dục về tình yêu và hôn nhân trong Nhã ca đồng nghĩa với việc khơi dậy những giá trị truyền thống có tính nền tảng của người Việt về tình yêu, hôn nhân, gia đình.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi một số chuẩn mực văn hóa truyền thống về hôn nhân và gia đình đang dần phai nhạt hoặc đứng trước nhiều thách thức, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của xã hội – nơi gia đình luôn được xem là tế bào cốt lõi.
Để xây dựng tình yêu và hôn nhân hạnh phúc, lâu bền, Nhã ca nhấn mạnh nguyên tắc nền tảng cam kết trung thành giữa người nam và người nữ.
Trong xã hội Việt Nam ngày nay, nhiều người trẻ có quan niệm khác với thế hệ trước và hôn nhân của họ không nhất thiết là sự lựa chọn cho cuộc sống lâu dài. Sứ điệp Nhã ca dành cho người trẻ ngày nay giúp 2 người yêu nhau hướng đến tương lai và quyết tâm cùng nhau vượt qua mọi thách thức để gìn giữ niềm vui và hạnh phúc.
Trong cuộc sống bận rộn của xã hội Việt Nam hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ theo đuổi sự nghiệp hay gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề đến nỗi không có thời gian dành cho nhau, điều này dễ tạo khoảng cách, làm phai nhạt tình cảm và ảnh hưởng đến sự gắn bó trong hôn nhân
Theo Nhã ca, việc dành thời gian cho nhau là yếu tố quan trọng trong xây dựng mối quan hệ tình yêu và hôn nhân tốt đẹp, lâu bền.
Thạc sĩ Trần Thị Phương Anh, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, trên phương diện kinh tế, Kinh Thánh có những nội dung thiết thực, cung cấp cho tín đồ cách tư duy, các nguyên tắc đạo đức trong các hoạt động kinh tế giúp tạo ra sự tăng trưởng bền vững; hình thành những thói quen trong quản trị tài chính và tiêu dùng cũng như phát triển mạng lưới xã hội hỗ trợ họ làm giàu một cách chính đáng và bền vững.
Kinh Thánh không lên án tiền bạc mà coi tiền bạc như vật trung gian. Vì vậy, vấn đề Kinh Thánh muốn nhắc nhở ở đây chính là thái độ của con người đối với tiền bạc.
Để có được thái độ đúng đắn như vậy, "sự thỏa lòng" được nhắc đi nhắc lại trong nhiều sách khác nhau của Kinh Thánh.
Mặc dù con người ai cũng mong được giàu có nhưng khi biết thỏa lòng, con người mới thực sự nhận thức được về cuộc sống cũng như cảm nhận được hạnh phúc trong thực tại. Khi một người xây dựng được từ bên trong mình một cách nhìn thăng bằng và đúng đắn về tiền bạc, biết xem tiền là công cụ, là phương tiện chứ không phải mục đích cuộc sống thì người ấy có được sự thỏa lòng. Khi làm chủ được lòng tham và có được sự thỏa lòng, người ta sẽ không rơi vào sa ngã, suy thoái và lụn bại.
Hòa mình vào trong dòng phát triển ngôn ngữ Việt của những thập niên đầu thế kỷ XX, công tác biên dịch Kinh Thánh nằm trong dòng chuyển động của một ngôn ngữ đang thử sức mình trong việc chuyển tải những cách thức diễn đạt và nội dung tư tưởng nằm bên ngoài nền văn hóa mà ngôn ngữ đó đang thuộc về. Nhìn từ góc độ này, công tác biên dịch Kinh Thánh không chỉ nằm bên trong một dòng chảy phát triển ngôn ngữ Việt của thời đại, mà còn nằm bên trong một tiến trình đóng góp vào sự giàu mạnh và phong phú của văn hóa Việt.