Nhảy đến nội dung
 

10 cuộc 'đại địa chấn' kinh tế

Sách “Đại địa chấn kinh tế” vẽ nên một bức tranh kỳ vĩ đến tàn khốc của nền kinh tế thế giới trong gần một thế kỷ.

10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc là cái giá phải trả cho cuộc khủng hoảng 2008. Nguồn: MBA Andrews.

Trong cuốn Đại địa chấn kinh tế, tác giả Linda Yueh lần lượt dẫn dắt người đọc đi qua 10 cuộc khủng hoảng tài chính tàn khốc của thế giới, từ cuộc Đại sụp đổ 1929, khủng hoảng tiền tệ ở Mỹ Latinh và châu Âu, cho đến khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hay những chấn động toàn cầu của đại dịch Covid-19…

Mỗi chương sách như một lược sử thời gian giúp độc giả khám phá nguyên nhân, diễn biến và hệ lụy của những cuộc sụp đổ kinh tế lớn, từ đó hiểu rõ cách ứng phó khủng hoảng tốt hơn và giảm thiểu thiệt hại của những thảm họa tài chính không thể tránh khỏi trong tương lai.

Những cuộc địa chấn kinh tế

Linda Yueh khai mở cuốn sách bằng cuộc Đại sụp đổ năm 1929 (hay còn gọi là Sự sụp đổ của Phố Wall năm 1929), một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tàn khốc nhất mọi thời đại.

Sự sụp đổ của Phố Wall năm 1929, là một vụ-nổ-lớn của thị trường chứng khoán tại Mỹ, bắt đầu vào tháng 10/1929 với sự sụt giảm mạnh về giá trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Suốt thời kỳ Đại khủng hoảng kéo dài sau vụ sụp đổ này, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục suy giảm trong nhiều năm và chạm đáy vào mùa hè năm 1932.

Trong cuộc Đại khủng hoảng (giai đoạn 1930-1933), một phần ba số ngân hàng ở Mỹ đã phá sản, nền kinh tế Mỹ suy giảm với tỷ lệ gây sốc là 29%, một phần tư người Mỹ mất sạch tiền tiết kiệm cả đời và hàng triệu người thất nghiệp, rơi vào cảnh khốn cùng.

Từ cuộc Đại sụp đổ năm 1929 đến nay, thế giới liên tiếp chứng kiến chuỗi khủng hoảng tài chính nối tiếp nhau, ảnh hưởng đến nền kinh tế của hàng loạt quốc gia, khu vực, thậm chí là kinh tế toàn cầu.

Bắt đầu từ ba thế hệ khủng hoảng tiền tệ lần lượt diễn ra trong thập niên 1980-1990: Mỹ Latinh với nợ công và lạm phát, châu Âu với khủng hoảng ERM (European Exchange Rate Mechanism - Cơ chế Tỷ giá Hối đoái châu Âu) năm 1992, và châu Á năm 1997 khi dòng tiền nóng rút ồ ạt, gây sụp đổ tài chính diện rộng, buộc nhiều nước phải cầu viện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Rồi đến khủng hoảng tiết kiệm và cho vay ở Mỹ khiến hàng loạt tổ chức tài chính phá sản, tiếp theo là cú sốc bong bóng bất động sản tại Nhật khiến nền kinh tế nước này rơi vào trì trệ kéo dài suốt nhiều thập niên.

Bước sang thiên niên kỷ mới, việc truy cập Internet trở nên phổ biến đã tạo cơ hội cho bán hàng trực tuyến. Các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghệ thời kỳ này bùng phát như nấm sau mưa. Nhưng đến khi bong bóng vỡ vào mùa xuân năm 2000 đã cho thấy mặt trái của sự hưng phấn công nghệ, khiến hàng loạt công ty phá sản, mất trắng. Tiếp nối là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - một cuộc đổ vỡ mang tính hệ thống bắt nguồn từ cho vay dưới chuẩn và nợ bất động sản tại Mỹ.

Chưa kịp phục hồi trọn vẹn, châu Âu lại chao đảo với cuộc khủng hoảng đồng euro năm 2010, dẫn đầu bởi Hy Lạp và lan rộng đến nhiều nước trong khối. Và gần đây nhất, đại dịch Covid-19 - dù không bắt nguồn từ thị trường tài chính - vẫn gây ra cú sốc kinh tế toàn cầu khi cả thế giới buộc phải ngừng vận hành trong thời gian dài.

Bằng việc khắc họa gần một thế kỷ biến động, tác giả không đơn thuần thuật lại các sự kiện mà giúp ta hiểu vì sao các cuộc khủng hoảng này xảy ra và nó có thể lặp lại như thế nào.

Linda Yueh cho ta thấy một thực tế rằng chẳng có gì chắc chắn trong lĩnh vực kinh tế, ngoại trừ một điều: sẽ lại có một cuộc khủng hoảng nữa xuất hiện. Tuy vậy, bằng cách phân tích các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, ta có thể xác định chiến lược tốt nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại trong tương lai.

Dai dia chan kinh te anh 1

Sách Đại địa chấn kinh tế. Ảnh: HQ.

Bài học cho nền kinh tế không ngừng biến động hiện nay

Qua cuốn sách, Linda Yueh cho thấy mỗi cuộc khủng hoảng có hàng loạt nguyên nhân và hậu quả riêng, nhưng tất cả đều diễn ra theo ba giai đoạn: phấn khích, tín nhiệm và kết quả.

Giai đoạn đầu là khi lòng tin vào tương lai tươi sáng khiến người ta đổ tiền vào tài sản với niềm tin bất diệt rằng giá cả sẽ liên tục tăng trưởng. Sau đó, sự tín nhiệm vào hệ thống bắt đầu lung lay khi thị trường nhận ra rằng những nền tảng đã bị xói mòn: tài chính doanh nghiệp bấp bênh, ngân hàng thiếu thanh khoản, nhà nước bị động.

Trong giai đoạn hai, việc thực hiện các chính sách đóng vai trò quan trọng trong giải quyết khủng hoảng, và điều đó cũng quyết định kết quả: phục hồi nhanh chóng hay suy thoái kéo dài. Một chính sách chậm trễ, mơ hồ có thể khiến khủng hoảng kéo dài.

Ngược lại, những hành động quyết đoán và nhất quán, như của Tổng thống Roosevelt trong thập niên 1930 hay các gói kích thích thời Covid-19, sẽ giúp phục hồi niềm tin và tránh sụp đổ toàn hệ thống.

Từ Đại địa chấn kinh tế, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học không chỉ trên phương diện kinh tế vĩ mô mà còn ở cách tư duy điều hành, về niềm tin thị trường và tính hệ thống trong khủng hoảng.

Trong gần một thế kỷ, các quốc gia từng được xem là hình mẫu - từ Nhật Bản, Hàn Quốc, đến Mỹ - đều từng trải qua những đổ vỡ nặng nề vì sự chủ quan, mở cửa quá nhanh, buông lỏng kiểm soát hệ thống tài chính hoặc lệ thuộc vào dòng vốn ngắn hạn. Ta học được rằng sự hưng phấn quá mức, đặc biệt khi đi kèm với tín dụng lỏng lẻo và đầu cơ tài sản là dấu hiệu cần được kiểm soát sớm, không nên coi nhẹ.

Mặt khác, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng Covid-19 năm 2020 đều cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của ngân hàng trung ương và chính phủ trong việc “giải cứu” nền kinh tế bằng các gói kích thích lớn. Vì vậy, bài học là phải xây dựng một nền tảng chính sách rõ ràng, truyền thông minh bạch và có khả năng phản ứng nhanh, quyết đoán trong khủng hoảng.

Với những nền kinh tế trẻ, bài học quan trọng không phải là né tránh khủng hoảng mà là phương cách vượt qua sóng dữ. Bằng việc củng cố hệ thống tài chính, phát triển thị trường vốn lành mạnh, kiểm soát rủi ro nợ và tăng khả năng chống chịu, dù không tránh được những cơn địa chấn này nhưng chúng ta có thể “biến nguy thành cơ” và hạn chế được thiệt hại.

Tác giả sách chia sẻ: “Mục đích của Đại địa chấn kinh tế là nhấn mạnh kinh nghiệm mà chúng ta có thể rút ra được từ sai lầm trong quá khứ nhằm tránh khỏi, hay chí ít là tránh được hậu quả tồi tệ nhất của những cuộc khủng hoảng chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng nhân loại đã có đủ bài học lịch sử để ngăn chặn cuộc sụp đổ kinh tế toàn cầu tiếp theo”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn