1 nhóm ngành được cả triệu người đăng ký: Cực "khát nhân lực", thu nhập dễ tới 50 triệu đồng/tháng

Đây là những lĩnh vực thu hút nhiều học sinh đăng ký trong năm qua.
Nhóm ngành thu hút nhiều người học nghề
Tại hội nghị tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên diễn ra sáng 16/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin hiện cả nước có khoảng 1.900 cơ sở đào tạo nghề. Trong năm 2024, hệ thống này đã tiếp nhận 2,43 triệu lượt người học.
Trong số đó, nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 46%, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ ô tô, điện và công nghệ thông tin.
Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp ghi nhận tỷ lệ 12%, tăng 4 điểm phần trăm so với năm trước nhờ sự phát triển mạnh mẽ của mô hình đào tạo nông nghiệp công nghệ cao. Ngành y dược và chăm sóc sức khỏe chiếm khoảng 10%, có dấu hiệu tăng trưởng do ảnh hưởng của quá trình già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng cao.
Bộ đánh giá cao các nhóm ngành có sức hút lớn trong tuyển sinh, phản ánh nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Những lĩnh vực đặc thù và mới nổi như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, cơ điện tử, tự động hóa, sản xuất thông minh, du lịch xanh, nông nghiệp hữu cơ, logistics và y tế công cộng được dự báo sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong thời gian tới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến nghị các cơ sở đào tạo cần ưu tiên phát triển và đẩy mạnh tuyển sinh ở các ngành này, nhằm thích ứng với xu hướng hội nhập quốc tế và yêu cầu chuyển đổi nhân lực chất lượng cao.
Thị trường còn nhiều ngành nghề khát nhân lực
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TP.HCM (Falmi), trong năm 2025, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao và ổn định.
Cụ thể, các doanh nghiệp được dự báo sẽ cần từ 310.000 đến 330.000 lao động cho cả năm. Riêng trong quý I, nhu cầu tuyển dụng dao động từ 79.000 đến 84.000 người; quý II là 77.000 - 82.000; quý III khoảng 75.500 - 80.500 và quý IV là 78.500 - 83.500 lao động.
Dù nhu cầu tuyển dụng tăng, thị trường lao động vẫn đối mặt với tình trạng mất cân đối cung – cầu. Một số ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao lại khó tuyển dụng, trong khi các ngành ít có nhu cầu lại chứng kiến số lượng người tìm việc lớn.
Báo cáo "Thiếu hụt nhân tài năm 2025" tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do ManpowerGroup công bố cũng chỉ ra rằng: 77% nhà tuyển dụng cho biết gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực có kỹ năng phù hợp, tăng mạnh so với con số 45% ghi nhận vào năm 2014.
Khảo sát được thực hiện với 10.095 doanh nghiệp trong khu vực cho thấy, vấn đề thiếu hụt lao động có kỹ năng đang trở thành mối lo thường trực của nhiều nhà tuyển dụng, đặt ra thách thức lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngành CNTT vẫn thiếu nhân lực dù lương cao
Theo Báo cáo Thị trường Công nghệ Thông tin Việt Nam, đến năm 2025, ngành CNTT dự kiến cần bổ sung khoảng 700.000 nhân lực mới. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo trong nước hiện chỉ có khả năng cung ứng khoảng 500.000 người, dẫn đến tình trạng thiếu hụt khoảng 200.000 lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề – một khoảng trống đáng kể trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số.
Bộ Khoa học và Công nghệ thống kê, cả nước hiện có khoảng 74.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với tổng số lao động trên 1,2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, lực lượng lao động trong lĩnh vực này có thể đạt mốc 3 triệu người, khi nền kinh tế số Việt Nam được kỳ vọng đạt quy mô 74 tỷ USD. Dù được đánh giá là một ngành có thu nhập khá cao, bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực vẫn là thách thức lớn.
Theo Báo cáo Thị trường IT Việt Nam 2024–2025 của TopDev – nền tảng chuyên về tuyển dụng nhân lực IT, mức lương trung bình của lập trình viên trong năm 2024 dao động từ 1.100 đến 3.000 USD/tháng (tương đương khoảng 27 đến hơn 73 triệu đồng), tùy theo trình độ kỹ năng và số năm kinh nghiệm. Mức thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng/tháng không hề ít.
Báo cáo cũng cho thấy, mức thu nhập tăng rõ rệt theo thời gian làm việc và cấp độ chuyên môn. Đây là đặc trưng của ngành kỹ thuật, nơi kinh nghiệm tích lũy mang lại cơ hội đảm nhận các vị trí có trách nhiệm cao hơn và mức lương hấp dẫn hơn.
Đối với các lập trình viên mới ra trường (Fresher), thu nhập khởi điểm được ghi nhận trong khoảng 415 – 510 USD/tháng, trung bình khoảng 480 USD. Sau hai năm, mức lương có xu hướng tăng nhanh hơn so với giai đoạn ban đầu, nhờ vào sự tích lũy kỹ năng thực tiễn và kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghệ chuyên sâu.
(Tổng hợp)