1 ngành hoàn toàn mới tại Trường Đại học Y Hà Nội, chỉ tuyển 60 suất: Nhiều cơ hội việc làm, dễ tăng thu nhập nhờ “nghề tay trái”

Đây sẽ là ngành vô cùng cần thiết với những cơ hội việc làm, thu nhập hấp dẫn trong thời đại công nghệ phát triển.
Mới đây, Trường Đại học Y Hà Nội đã công bố kế hoạch tuyển sinh năm nay với tổng chỉ tiêu là 1.910 sinh viên, tăng 190 so với năm trước.
Năm ngoái, điểm chuẩn xét tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động từ 19 đến 28,83 điểm. Ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là Tâm lý học với tổ hợp C00. Nếu chỉ xét riêng tổ hợp truyền thống B00, ngành Y khoa giữ vị trí dẫn đầu với mức điểm 28,27. Ngược lại, điểm chuẩn thấp nhất, 19 điểm, thuộc về các ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật phục hồi chức năng tại phân hiệu Thanh Hóa.
Bên cạnh 4 tổ hợp xét tuyển truyền thống là B00 (Toán, Hóa, Sinh), B08 (Toán, Sinh, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa) và D01 (Toán, Văn, Anh), năm nay trường cũng áp dụng thêm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) để xét tuyển. Đây là lần đầu tổ hợp này được đưa vào xét tuyển tại Đại học Y Hà Nội.
Đáng chú ý, trường lần đầu tiên mở thêm hai ngành mới gồm Kỹ thuật hình ảnh y học và Công tác xã hội. Đây cũng là 2 ngành sẽ áp dụng tổ hợp A00 bên cạnh các ngành như như Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Dinh dưỡng.
Một ngành thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao
Kỹ thuật hình ảnh y học đóng vai trò then chốt trong quá trình phát hiện và điều trị nhiều bệnh lý, từ tim mạch, ung thư đến các vấn đề về cơ xương khớp. Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ y tế, nhu cầu sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh ngày càng tăng mạnh, kéo theo đó là nhu cầu cấp thiết về đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản để vận hành các thiết bị hiện đại.
Trong một khoa chẩn đoán hình ảnh điển hình, số lượng kỹ thuật viên thường cao gấp 1,5 đến 2 lần so với bác sĩ. Họ là những người trực tiếp điều khiển các hệ thống máy móc, thực hiện các kỹ thuật hình ảnh và đảm bảo an toàn bức xạ cho người bệnh. Ngoài kiến thức chuyên môn sâu về thiết bị và kỹ thuật, kỹ thuật viên còn đóng vai trò là người tiếp xúc đầu tiên với bệnh nhân, góp phần quan trọng vào chất lượng dịch vụ và sự an tâm của người được khám chữa.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt kỹ thuật viên có trình độ cao trong lĩnh vực này. Thực tế cho thấy nguồn nhân lực hiện tại chưa đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh đang ngày càng tăng, cả về số lượng lẫn chất lượng.
Trong khi đó, các bệnh viện và cơ sở y tế – đặc biệt là những đơn vị đầu tư mạnh vào công nghệ – đang liên tục bổ sung các thiết bị tiên tiến như máy cộng hưởng từ từ lực cao, máy cắt lớp vi tính đa dãy, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền, và máy X-quang kỹ thuật số.
Điều này càng đặt ra yêu cầu cấp bách về đội ngũ kỹ thuật viên có năng lực chuyên môn vững, thành thạo thiết bị, đồng thời có kỹ năng phụ trợ như ngoại ngữ và tin học để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Để giải quyết khoảng trống này, các chương trình đào tạo kỹ thuật hình ảnh y học cần được chú trọng đầu tư, không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu về công nghệ hình ảnh mà còn rèn luyện kỹ năng thực hành, khả năng tự học, nghiên cứu và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.
Vậy ngành Kỹ thuật hình ảnh y học là gì? Học gì? Cần kỹ năng nào?
Ngành Kỹ thuật Hình ảnh Y học đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán và điều trị các bệnh lý. Đây là một lĩnh vực kỹ thuật cao, sử dụng các công nghệ hình ảnh như X-quang, CT, MRI, siêu âm, và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác để cung cấp thông tin chi tiết và chính xác về tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Ngoài ra, kỹ thuật viên còn có thể làm việc ở vai trò tư vấn chuyên môn cho các công ty kinh doanh thiết bị và dụng cụ chẩn đoán hình ảnh.
Trong môi trường giáo dục, họ có cơ hội tham gia trợ giảng, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở đào tạo trong khối ngành sức khỏe.
Bên cạnh đó, ngành nghề này cũng mở ra hướng đi trong lĩnh vực nghiên cứu, với vai trò là nghiên cứu viên tại các trung tâm chuyên môn. Đặc biệt, những người có bằng cấp phù hợp sẽ được tuyển dụng và bổ nhiệm đúng chuyên ngành tại các cơ sở y tế công lập theo quy định.
Người học ngành Kỹ thuật hình ảnh y học cần nắm vững các kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở cũng như hiểu rõ các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để làm nền tảng cho việc thực hành chuyên môn trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Họ phải biết vận dụng kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành để áp dụng hiệu quả các nguyên lý kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, từ đó hỗ trợ quá trình chẩn đoán bệnh và định hướng điều trị.
Về kỹ năng, người học cần có khả năng lượng giá, lập kế hoạch và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh dựa trên các bằng chứng khoa học; đồng thời tham gia tổ chức, điều hành và giám sát hoạt động tại khoa/phòng chẩn đoán hình ảnh.
Bên cạnh đó, họ cần có khả năng phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chuyên môn khác trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Việc chủ động học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, thích nghi với yêu cầu công việc thực tiễn và sự phát triển của khoa học công nghệ cũng là một năng lực quan trọng.
Ngoài ra, kỹ thuật viên hình ảnh y học cần trang bị tốt kỹ năng tin học và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nghề nghiệp trong môi trường hội nhập.